Đây là thông tin được Giáo sư Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng vừa tổ chức.
Theo ông Lê Quân, khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Việt Nam cũng đứng thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực, đây cũng là một trong những chỉ số để đo là sự tham gia và cơ hội trong lĩnh vực kinh tế.
Theo Liên hợp quốc, Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất trên toàn thế giới về mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Tuy nhiên vẫn còn hàng loạt các thách thức, tồn tại như thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam vẫn còn chênh lệch, xét trong cả giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch tương đương khoảng 30$, trên tổng mức lương chưa đạt 200$/tháng. Phần lớn những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ, hoạt động không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp...
Bên cạnh đó, xét về vị thế làm việc, lao động nữ làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn nhiều hơn so với lao động nam.
Lao động nữ vẫn tập trung ở những việc làm có vị thế kém hơn như lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương (Nữ là 21,6%, Nam là 10.2% - năm 2017). Đây lại là những công việc không ổn định, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.
Thứ trưởng Lê Quân cho rằng doanh nghiệp cần chủ động đổi mới, sáng tạo, có chiến lượng quản lý nhân tài và đãi ngộ nhân sự nữ tốt để họ phát huy được thế mạnh của mình.
Có điều đáng mừng trong thực tế hiện nay là nhiều tâp đoàn tư nhân có sự tham gia sâu của nữ giới, có những doanh nghiệp do nữ làm chủ có tốc độ tăng trưởng mạnh.
Điều này cũng được Julia Newton-Howes đại diện dự án Investing Women khẳng định, qua khảo sát của dự án, các doanh nghiệp do nữ làm lãnh đạo có hoạt động kinh doanh tốt hơn doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo do sự sáng tạo, mau lẹ và quyết liệt khi làm việc của nữ doanh nhân.
Đến từ Đại sứ quán Tây Ban Nha, bà Maria lạc quan cho rằng nếu đẩy nữ doanh nhân xuống nước họ sẽ tự bơi và sống sót không những thế họ sẽ bơi nhanh, bơi khỏe, vấn đề cần có niềm tin ở họ.
“Trao quyền cho phụ nữ và tăng quyền năng cho phụ nữ đang là một xu hướng lớn của thế giới hiện đại. Phụ nữ và lao động nữ đang trở thành một trong những động lực chính trong sự phát triển toàn cầu. Đây không chỉ là một việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn thực sự đóng vai trò động lực của tăng trưởng. Đặc biệt với xu thế của cuộc cách mạng 4.0, xu thế chúng ta hướng tới nền kinh tế bao trùm và nhân văn hơn thì vai trò của phụ nữ rất quan trọng”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.
Nếu đẩy nữ doanh nhân xuống nước họ sẽ tự bơi và sống sót không những thế họ sẽ bơi nhanh, bơi khỏe, vấn đề cần có niềm tin ở họ.
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã tập trung thảo luận nhiều về vấn đề bình đẳng giới, giúp các doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc đảm bảo và thực thi các giá trị bình đẳng nói chung và bình đẳng giới ở nơi làm việc trong chính sách, chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Đồng thời, thảo luận trực tiếp những câu chuyện thực tiễn của doanh nghiệp với sự tham gia chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau (Unilever, FPT Software, Sasco, PNJ, GRACo 10, Deloitte, Maritime bank) mang đến nhiều câu chuyện ấn tượng và thực tế, giúp các doanh nghiệp có hình dung rõ hơn về triển khai bình đẳng giới ở nơi làm việc phù hợp và hiệu quả với doanh nghiệp mình.