Việt Nam có tiềm năng lớn về xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ

Theo Tiến sĩ Phạm Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm: Hiện nay, lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam được xuất khẩu sang gần 90 nước và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch đạt gần 200 triệu USD/năm. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ như vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của các kiểu rừng Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân làm cho các sản phẩm được chế biến từ lâm sản ngoài gỗ có tính cạnh tranh thấp là do các cơ sở chế biến đều có quy mô nhỏ, không gắn với vùng nguyên liệu ổn định, công nghệ và thiết bị còn lạc hậu, mẫu mã bao bì chưa hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc quản lý nhà nước còn hạn chế do chưa nắm bắt đầy đủ nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ ở từng địa phương, từng vùng sinh thái và trong phạm vi cả nước. Thiếu thông tin về thành phần chủng loại, phân bố trữ lượng cũng như tình trạng suy thoái, khả năng tái sinh và phục hồi giá trị sử dụng...

 

Với địa hình chia cắt phức tạp lại trải dài trên nhiều vĩ độ địa lý, đã tạo cho Việt Nam có nhiều kiểu rừng có những đặc trưng về đa dạng sinh học. Trong hầu hết các kiểu rừng ở Việt Nam ngoài thành phần các loài gỗ còn có rất nhiều lâm sản ngoài gỗ. Đó không chỉ là nguồn sống của cư dân sống xung quanh khu vực có rừng mà còn tạo ra sản phẩm xuất khẩu từ các lâm sản ngoài gỗ. Để quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên, Việt Nam đã thiết lập được 129 khu rừng đặc dụng, với tổng diện tích hơn 2,3 triệu ha, chiếm 11,8% tổng diện tích đất lâm nghiệp và chiếm 6,7% tổng diện tích đất tự nhiên; trong đó có 29 vườn quốc gia với diện tích gần 1 triệu ha, 62 khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích 1,2 triệu ha và 38 khu rừng bảo vệ cảnh quan với diện tích hơn 100 ngàn ha.

 

Hiện nay, có khoảng 30/64 tỉnh có hoạt động gây trồng và thu hái lâm sản ngoài gỗ, trong đó diện tích thu hái từ rừng tự nhiên gần 1,2 triệu ha và gây trồng gần 500.000 ha. Các loài cây chủ yếu được gây trồng hoặc thu hái là tre trúc, song mây, thông lấy nhựa, quế, hồi, thảo quả, bời lời đỏ... nhưng các hoạt động thu hái này vẫn còn mang tính tự phát, phân tán, chưa có quy hoạch, kỹ thuật giống và lâm sinh còn lạc hậu.

 

Tiến sĩ Phạm Đức Tuấn cho rằng: Việt Nam có tiềm năng lớn về xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ nhưng chúng ta chưa biết phát huy hết thế mạnh về rừng do thiên nhiên ưu đãi. Để đẩy mạnh xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ, góp phần xóa đói giảm nghèo tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương cũng như phát triền kinh tế xã hội, bảo đảm bảo tồn đa dạng sinh học, nước ta cần phải phát triển nguồn nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ gắn với công nghiệp chế biến lâm sản. Tập trung hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với những mặt hàng lâm sản ngoài gỗ có lợi thế trên thị trường quốc tế; đồng thời kết hợp phát triển đa dạng các mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và sử dụng nhân công tại địa phương. Đặc biệt, cần phát triển và bảo tồn lâm sản ngoài gỗ gắn với phát triển khoa học công nghệ sinh học; khai thác và phát triển lâm sản ngoài gỗ gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.