Tại Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 23/7, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Trong chặng đường phát triển 24 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có có những bước vượt bậc và có thể trở thành một trong những thị trường khá lớn trong khu vực. Khởi điểm với vỏn vẹn 2 cổ phiếu, cho đến nay, thị trường đã có hơn 1.800 mã cổ phiếu được đăng ký niêm yết giao dịch với mức vốn hóa thị trường lên tới 70% GDP (khoảng 300 tỷ USD). Nếu tính theo tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP thì tỷ lệ của thị trường chứng khoán Việt Nam không hề thấp và có thể xếp thứ 34 hoặc 35 trên thế giới".
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hoạt động rất sôi nổi với mức thanh khoản của thị trường trong năm 2024 luôn ở mức gần 1 tỷ USD/phiên, con số này chưa tính đến khối lượng giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
"Do vậy, nếu chỉ tính về thanh khoản, Việt Nam có thể tự tin là một trong những thị trường sôi động nhất tại khu vực Đông Nam Á", ông Bùi Hoàng Hải nhận định.
Mặt khác, kể từ khi đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán đã tạo ra nhiều giá trị rất lớn đối với nền kinh tế. Đầu tiên, có thể nói về công tác cổ phần hóa. Sự ra đời của thị trường chứng khoán đã thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. Trong tổng số khoảng 1.800 doanh nghiệp đang niêm yết, có gần một nửa là các doanh nghiệp nguồn gốc cổ phần hóa. Nhờ thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh và đem lại các giá trị cho nhà đầu tư và nhà nước. Điển hình hai doanh nghiệp CTCP Cơ điện lạnh (REE) và CTCP Sam Holdings (SAM) được biết đến là những doanh nghiệp đầu tiên tham gia thị trường đã trở thành các doanh nghiệp rất lớn ở thời điểm hiện tại.
Không chỉ các doanh nghiệp cổ phần hóa mà còn rất nhiều tập đoàn tư nhân đang được niêm yết.
"Nếu không có thị trường chứng khoán, chỉ với năng lực nội tại và nguồn vốn ngân hàng thì chúng ta có các tập đoàn lớn hiện nay đang niêm yết và có thể có những tập đoàn đứng trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất của Đông Nam Á", ông Hải chia sẻ.
Mang ý nghĩa lớn hơn, thị trường chứng khoán còn là nơi lan tỏa tinh thần kinh doanh một cách công bằng và minh bạch. Với sự khuyến khích của các chính sách, thị trường đã và đang tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp theo hướng có trách nhiệm hơn với cả xã hội và môi trường thông qua thực hành theo nguyên tắc của ESG. Điều này là yếu tố quan trọng đóng góp tốt hơn cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
So với những năm trước đây, mục tiêu cho năm 2025 hay xa hơn là 2030 như Đề án phát triển thị trường tới năm 2020 được Chính phủ phê duyệt tháng 12/2023, chúng ta đã có một số tiêu chí gần đạt được như tiêu chí về tỷ lệ vốn hóa/GDP, tổng số lượng nhà đầu tư/tổng dân số của Việt Nam… Nếu tính về con số tỷ lệ vốn hóa/GDP, chúng ta đang giảm so với năm 2020, 2021, tuy nhiên nếu tính về mức độ tuyệt đối, mức vốn hóa thị trường đang tăng rất mạnh và chiếm 70% GDP, theo ước đoán là khoảng 300 tỷ USD, số lượng nhà đầu tư lên tới 9 triệu người và gần đạt với mục tiêu đề ra về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán.
"Khi xây dựng chiến lược phát triển thị trường, chúng tôi đặt ra mục tiêu khá tham vọng và không dễ đạt được. Tuy nhiên, điểm chúng tôi nhìn thấy là có nhiều tiềm năng chúng ta có thể đạt được nếu có sự cố gắng từ cơ quan quản lý cho đến các thành viên thị trường. Chúng tôi tin rằng, với nền tảng vững chắc của nền kinh tế và chính sách, cũng như làm sao bảo đảm sự thuận lợi khi tham gia thị trường của doanh nghiệp và nhà đầu tư, thì mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được", Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.