Giáo sư Jason Furman là người chủ trì xây dựng Chiến lược Kinh tế AI cho Chính phủ Mỹ. Ông cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu xây dựng và phát triển Chính phủ AI bằng cách áp dụng AI để hỗ trợ việc ra quyết định cho tất cả các chức năng của các lĩnh vực công chính yếu, cụ thể là xây dựng Trung tâm dữ liệu và ra quyết định Quốc gia; đại học AI, trường học AI, bệnh viên AI, dịch vụ pháp lý và dịch vụ công AI; tối ưu hóa giao thông công cộng bằng AI; đột phá chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông nghiệp, thủy sản Việt Nam sạch, chất lượng cao bằng AI; đột phá du lịch bằng AI...
Giải pháp để xây dựng Chính phủ AI là cần thiết lập nhóm đặc nhiệm triển khai dự án Chính phủ AI do Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp. Nhóm cần cam kết kết quả đạt được theo thời gian và được cơ chế đặc biệt, được quyền chủ động hành động. Người đứng đầu nhóm sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả, công khai minh bạch mọi hoạt động, nhưng được quyền tự quyết định.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng cần ban hành ngay quy định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh, coi những kẻ đánh cắp ý tưởng, đánh cắp sản phẩm, công nghệ là những tội phạm nghiêm trọng và bị xử phạt nặng.
“Đây là thời điểm tốt nhất để bắt đầu nếu Việt Nam có khát vọng đi thẳng vào hiện đại, tiên phong trong việc xây dựng Chính phủ AI ở Đông Nam Á”, giáo sư nhấn mạnh.
Ông cũng khuyến nghị, việc đầu tư cho AI nên để doanh nghiệp tư nhân làm nòng cốt. Doanh nghiệp tư nhân có sự linh hoạt, sẵn sàng đón nhận các yếu tố mới, nên phải là những đơn vị dẫn đầu, tạo động lực cho kỷ nguyên 4.0.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và sáng tạo, Việt Nam cần xây dựng Văn hóa thời đại AI, một nền văn hóa kế thừa những giá trị tinh túy tốt đẹp, cổ vũ, tôn vinh sự sáng tạo, lòng nhân ái, tạo nên những giá trị cao quý nhất trong xã hội. Đó sẽ là những Khu văn hóa thời đại AI, Quảng trường thời đại AI ở những thành phố đặc biệt của Việt Nam như Hội An, Hạ Long, Đà Lạt…
Để xây dựng được Văn hóa thời đại AI, Việt Nam cần thu hút nguồn lực trí tuệ tinh hoa thế giới từ các trường đại học hàng đầu và vận động các quỹ, tập đoàn lớn trên thế giới tài trợ cho các dự án.
Chính phủ Việt Nam nên tạo môi trường để những tinh hoa đó gắn kết với Việt Nam, để Việt Nam tiếp thu những tư tưởng sáng tạo công nghệ tiên tiến của thời đại.
Song song với đó là những hoạt động truyền thông tạo khát vọng, nỗ lực cho người Việt Nam, tạo dựng hình ảnh Việt Nam đi tiên phong xây dựng Chính phủ AI và Văn hóa thời đại AI với thế giới.
Từ trải nghiệm của mình, Tiến sỹ Kazuo Yano, Kỹ sư trưởng Tập đoàn Hitachi, nhà tiên phong về công nghệ AI ở Nhật Bản cho biết, khi con người có những định hướng rõ ràng thì AI sẽ cung cấp kết quả tốt hơn.
Thực tế cho thấy, AI có khả năng vượt trội trong nhiều phương diện kinh doanh của doanh nghiệp như tự động tối ưu hóa kho vận chuyển giúp tăng 8% năng suất, tăng 15% doanh số trên mỗi khách hàng tại các cửa hàng bán lẻ, hay giảm lượng điện năng tiêu thụ trong ngành đường sắt…
Hơn một thập kỷ qua, Hitachi đã áp dụng AI không chỉ để giải các bài toán kinh tế, mà còn trong đo lường, cải thiện hạnh phúc và đời sống của con người. Một tổ chức hạnh phúc là một tổ chức có năng suất cao. Nếu con người có thể định lượng “hạnh phúc” và nhập vào hệ thống dữ liệu, AI sẽ phân tích để đưa ra phương án cải thiện năng suất cho tổ chức hay toàn xã hội.
Ông Hồ Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Chiến lược Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, CMC đã ứng dụng AI để phát triển hệ thống giám sát, xử lý sự cố an ninh - an toàn thông tin SOC cho các đơn vị thuộc chính phủ, doanh nghiệp; sử dụng AI tiến tới cá thể hóa các dịch vụ tài chính, khai thác tối đa giá trị dữ liệu; sử dụng AI để phát hiện các bất thường cho ngành thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... Mục tiêu của Tập đoàn CMC là dẫn đầu trong chuyển đổi số, sẵn sàng cung cấp các giải pháp công nghệ 4.0, công nghệ trí tuệ nhân tạo…