Chúng ta đang kỳ vọng nhiều vào thị trường khu công nghiệp với làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhất là từ Trung Quốc, bà có bình luận gì về điều này?
Trung Quốc dầu sao vẫn là một trung tâm sản xuất lớn của thế giới, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn. Sau nhiều năm trở thành công xưởng, nước này đã hình thành được một nền tảng phục vụ sản xuất, hậu cần tốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các bên.
Vai trò của Trung Quốc vẫn là không thể thay thế. Gần đây, chúng ta nói nhiều đến làn sóng dịch chuyển, tuy nhiên theo tôi thì các tập đoàn lớn chỉ sẽ dịch chuyển một phần chứ không phải là một cuộc đại di chuyển như nhiều người vẫn nói.
Vậy còn Việt Nam?
Việt Nam thực sự đang là ngôi sao của khu vực, nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng đang bước vào giai đoạn phát triển đa dạng. Sức hút của Việt Nam với các nhà đầu tư cũng ngày càng lớn hơn. Với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Việt Nam cũng có nhiều ưu thế so với các nước trong khu vực.
Việt Nam đang được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Nhìn rộng ra, theo bà thì đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp với chúng ta trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp là quốc gia nào?
Tôi cho rằng đó là Thái Lan, nước này khá nổi bật so với một số cái tên còn lại. Cũng là nước có những yếu tố tương đồng với Việt Nam, nhưng lại là nước đã đi trước chúng ta vài năm.
Theo bà, chúng ta có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm phát triển thị trường bất động sản của các nước đi trước?
Không có một công thức cứng nhắc, nhưng tôi cho rằng, Việt Nam có thể kết hợp từ con đường phát triển thị trường của Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan để có cho mình một hướng đi tốt.
Sở dĩ nói vậy vì Trung Quốc đã và vẫn sẽ là phân xưởng sản xuất lớn của thế giới. Chúng ta đang muốn nỗ lực để trở thành một điểm đến đầu tư mới thì có thể học hỏi kinh nghiệm của nước này trong việc xây dựng nền tảng, hệ thống, công tác hỗ trợ để có thể đáp ứng tốt nhất tất cả các yêu cầu của nhà đầu tư đa dạng trên thế giới.
Còn với Nhật Bản, đây là thị trường rất thành công trong việc phát triển lĩnh vực logistics. Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, như việc hầu như dân số cả nước nói chung một loại ngôn ngữ, các trung tâm đô thị lớn dải đều trong nước (không như Trung Quốc, thành phố nào cũng quá lớn), các trung tâm logistics lớn của Nhật đều nằm ở vị trí giao thoa giữa các đô thị lớn.
Riêng với Thái Lan, ta có thể học các bài học để không lặp lại câu chuyện của họ. Cần biết rằng, Thái Lan từng đứng trước những cơ hội tương tự như Việt Nam ở giai đoạn hiện tại để trở thành một trung tâm sản xuất lớn của khu vực, thế giới. Tuy nhiên họ đã để lỡ cơ hội này khi quá coi trọng phát triển các lĩnh vực như dịch vụ, du lịch mà bỏ qua các ngành sản xuất nền tảng, làm xương sống, làm trụ đỡ cho nền kinh tế. Và giờ họ đang nỗ lực để thay đổi.
Đó là việc nhìn để tránh, còn về học, chúng ta có thể học Thái Lan trong việc phát triển du lịch, thị trường khách sạn. Và thậm chí Việt Nam có thể làm tốt hơn Thái Lan về loại hình tài sản thương mại dịch vụ như văn phòng.
Bất động sản bán lẻ Việt Nam cũng đang có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Theo bà, còn cái tên nào mà chúng ta có thể tham khảo nữa không?
Đó là Singapore, Việt Nam có thể học thêm Singapore trong việc phát triển các sản phẩm dịch vụ. Singapore làm tốt trong việc định vị thương hiệu và thu hút các tập đoàn đầu tư nước ngoài vào đặt trụ sở, văn phòng để biến Singapore thành trung tâm tài chính.
Singapore từng quy định khu vực trung tâm thành phố chủ yếu để xây dựng cao ốc thương mại dịch vụ để hỗ trợ các doanh nghiệp đặt văn phòng, trụ sở. Các đô thị của Việt Nam có định hướng trở thành trung tâm dịch vụ tài chính có thể tham khảo kinh nghiệm của Singapore.
Với dòng vốn ngoại, bà có nhận thấy sự thay đổi nào đáng kể thời gian gần đây không?
Các giao dịch M&A lớn trước chủ yếu diễn ra ở thị trường miền Nam nhưng gần đây dòng tiền đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển ra phía Bắc. Các thương vụ lớn cũng diễn ra ở phía Bắc ngày càng nhiều hơn. Điển hình như mới đây tại Hà Nội đã diễn ra thương vụ chuyển nhượng một toà nhà văn phòng có giá trị 550 triệu USD.
Cùng với đó, dòng tiền cũng có sự chuyển chuyển nhiều hơn từ phân khúc căn hộ sang bất động sản công nghiệp, văn phòng.
Có vẻ như thị trường bất động sản Việt Nam thực sự đang đứng trước nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư?
Đúng vậy, thị trường địa ốc Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển đa dạng, chúng ta sẽ có được những bước phát triển tốt, bền vững nếu biết nhìn nhận và liên kết các loại hình bất động sản với nhau, từ logistics, dịch vụ cho đến các sản phẩm bất động sản truyền thống. Và nếu càng thu hút được khối ngoại tham gia, thì chúng ta càng có cơ hội để đưa thị trường đi lên và khai thác các phân khúc, sản phẩm mới.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng bất động sản không chỉ là căn hộ hay đất nền, mà còn hiện diện ở hầu hết các mặt trong cuộc sống, từ kho bãi, nhà xưởng, mặt bằng cho thuê, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hay bất động sản công cộng (sân vận động, nhà thi đấu,…). Bất động sản liên quan đến phần lớn các lĩnh vực trong cuộc sống và cũng là một ngành xương sống của nền kinh tế. Việt Nam đang duy trì được tốc độ phát triển ấn tượng, và điều này đương nhiên mang đến nhiều cơ hội cho thị trường, nhà đầu tư.