Việt Nam có khả năng thích ứng, bứt phá và tạo lập vị thế mới

0:00 / 0:00
0:00
Với tất cả những nỗ lực, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng và toàn thể hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, Việt Nam sẽ bứt phá và tạo lập vị thế mới trước những thách thức toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Nhật Bắc)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Nhật Bắc)

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam chiều 11/10.

Các chính sách vừa qua đã phần nào chia sẻ được tổn thất với doanh nghiệp

Báo cáo về hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; chỉ đạo các Thành viên Chính phủ làm việc thường xuyên với các địa phương, thành lập các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 8 luật, 17 nghị quyết. Một số vướng mắc của dự án, doanh nghiệp bất động sản về thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất… đã được xem xét, tháo gỡ. Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tư vấn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị.

Chính phủ đã ban hành liên tiếp nhiều quyết sách để trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp, điển hình như: Nghị quyết số 58/NQ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và các Phó thủ tướng cũng thường xuyên chủ trì nhiều hội nghị đối thoại chuyên đề với doanh nghiệp theo các nhóm ngành nhằm lắng nghe và kịp thời có các chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thứ hai, Chính phủ đã quyết liệt tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường cho doanh nghiệp, thông qua các giải pháp như ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP quy định nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày cho công dân 13 nước gia hạn thị thực để hỗ trợ khôi phục thị trường du lịch; ban hành nhiều chính sách khuyến khích, tạo nền tảng phát triển những lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số; phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, khơi thông nguồn lực đối với các dự án năng lượng điện tái tạo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; chỉ đạo quyết liệt thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng các FTA đã ký kết; triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước.

Thứ ba, khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp.

Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân giảm 1% so với cuối năm 2022. Các chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp như: Giảm tiền thuê đất, hoãn, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động... tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các chính sách vừa qua đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều mong mỏi, kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước để đồng hành cùng doanh nghiệp, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ để phục hồi và phát triển.

Cộng đồng doanh nghiệp cần trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ, Thủ tướng

Đề xuất gợi mở một số định hướng và giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành... Cần vận dụng cơ chế "một luật sửa nhiều luật" đối với các những vướng mắc, điểm nghẽn đã được làm rõ, đi kèm với quy trình thực hiện rút gọn để có thể thực thi ngay.

“Toàn hệ thống cần nhất quán trong việc không ban hành thêm những quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”, ông Dũng nêu rõ. Đồng thời, cần khẩn trương cụ thể hóa cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, như khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý; nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%...

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các cam kết tại các FTA, mở rộng tiêu dùng nội địa thông qua các nền tảng số và thương mại điện tử, khẩn trương triển khai các giải pháp để gỡ thẻ vàng IUU cho các mặt hàng thủy sản Việt Nam.

Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý cộng đồng doanh nghiệp cần trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp.

“Với tất cả những nỗ lực, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có khả năng thích ứng, bứt phá và tạo lập vị thế mới trước những thách thức toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Tin bài liên quan