Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại hội thảo "Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến" ngày 29/8. Ảnh Dũng Minh

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại hội thảo "Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến" ngày 29/8. Ảnh Dũng Minh

Việt Nam có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện - một sự lựa chọn tất yếu của tương lai, nếu có những hành động quyết liệt, cụ thể và kịp thời bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi xanh nền kinh tế nói chung mà Chính phủ đang thúc đẩy.

Ngày 29/8, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo "Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến" để đóng góp thêm ý kiến, kiến nghị giúp cơ quan soạn thảo Chiến lược Phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có góc nhìn đa chiều về giảm thải carbon từ ngành ô tô.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, nếu mỗi chiếc xe hơi lưu thông trên đường được ví như một trạm phát thải di động, thì Việt Nam đang có gần 6,5 triệu trạm phát thải như vậy. Những chiếc xe hơi này cũng được coi là một tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe người dân. Việc chuyển đổi, thay thế hay thậm chí “đóng cửa” những trạm phát thải này không chỉ là hành động phù hợp với xu thế chung trên toàn thế giới, mà còn là một nhiệm vụ cấp bách nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu đề ra, đó là đạt mức phát thải ròng bằng 0 – còn gọi là Net Zero vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Hội thảo tập trung vào một số nội dung chính như phân tích thực trạng và cơ hội cho ô tô “xanh” tại Việt Nam. Ảnh Dũng Minh.

Hội thảo tập trung vào một số nội dung chính như phân tích thực trạng và cơ hội cho ô tô “xanh” tại Việt Nam. Ảnh Dũng Minh.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia có dân số lớn và tiếp tục gia tăng, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, nếu không có những giải pháp kịp thời để “xanh hóa” ngành ô tô được dự báo còn rất nhiều dư địa phát triển, thì các trạm phát thải di động sẽ ngày càng trở thành một ẩn số lớn trong bài toán phát triển bền vững.

Nhận thức rõ thực trạng đó, thời gian qua, cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực để cùng chung tay tạo động lực mới cho ngành ô tô, mở lối cho những chiếc xe “xanh” lăn bánh, tạo nên một không gian giao thông xanh, sạch hơn. Chúng ta đang được chứng kiến ngày càng có thêm nhiều những phương tiện 4 bánh sử dụng công nghệ hiện đại, nhiên liệu tiết kiệm hơn và thân thiện môi trường được lưu hành trên đường phố, góp phần giảm bớt ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn, dần tạo ra một bộ mặt giao thông mới phù hợp với định hướng xanh hóa, hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 của ngành giao thông vận tải.

Theo ông Lê Trọng Minh, thị trường ô tô ít hoặc không phát thải, có thể gọi chung là ô tô “xanh” vì vậy đang đứng trước một cơ hội to lớn để phát triển mạnh mẽ. Việt Nam cũng được đánh giá là sẽ không vấp phải vấn đề quá lớn khi phải “rẽ ngang” từ sản xuất ô tô động cơ đốt trong sang những loại xe thuần điện – vấn đề đang gặp nhiều trăn trở như ở một số cường quốc về sản xuất ô tô. Việt Nam còn có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện – một sự lựa chọn tất yếu của tương lai, nếu có những hành động quyết liệt, cụ thể và kịp thời bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi xanh nền kinh tế nói chung mà Chính phủ đang rất thúc đẩy.

Việt Nam còn có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện – một sự lựa chọn tất yếu của tương lai, nếu có những hành động quyết liệt. Ảnh Dũng Minh.

Việt Nam còn có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện – một sự lựa chọn tất yếu của tương lai, nếu có những hành động quyết liệt. Ảnh Dũng Minh.

"Vậy những chính sách, hành động đó nên là gì? Nên được thiết kế thế nào cho phù hợp với ngữ cảnh nền kinh tế cũng như tập quán tiêu dùng của người dân, để rộng đường cho những chiếc xe “xanh” bon bon lăn bánh? Đó chắc chắn không phải chỉ là lối đi riêng của từng ngành giao thông vận tải, công thương, xây dựng, tài chính..., cũng như không phải trách nhiệm mà cộng đồng doanh nghiệp một mình gánh vác. Mọi lối đi đều cần được quy hoạch hài hòa, hợp lý để cùng đến một đích: Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải nói chung và lĩnh vực ô tô nói riêng", ông Lê Trọng Minh cho hay.

Hội thảo sẽ tập trung vào một số nội dung chính như phân tích thực trạng và cơ hội cho ô tô “xanh” tại Việt Nam, những bài học kinh nghiệm hay từ các quốc gia đi trước, những động thái chính sách đáng chú ý và những đề xuất, kiến nghị với các nhà quản lý cũng như khuyến nghị với các doanh nghiệp trong ngành.

"Phát triển bền vững luôn là một chủ đề được Báo Đầu tư tập trung theo đuổi với nhiều chuyên đề, đặc san và sự kiện được thực hiện hàng năm, liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực của nền kinh tế. Hội thảo này cũng là một hoạt động trong khuôn khổ chủ đề đó", ông Minh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan