Ông ST Liew, Phó chủ tịch Qualcomm CDMA Technologies Asia-Pacific Pte. Ltd., kiêm Chủ tịch Qualcomm Đông Nam Á, Australia và New Zealand
Việt Nam đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào quá trình chuyển đổi số. Để đạt được những mục tiêu này, theo ông, các doanh nghiệp Việt cần vượt qua những rào cản nào?
Cuộc khảo sát về quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố gần đây đã chỉ ra một số rào cản mà doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số.
Một điểm đúc kết được từ khảo sát là đầu tư chuyển đổi số khá tốn kém. Việc thiếu nguồn vốn cản trở doanh nghiệp áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, tạo nên rào cản đối với tham vọng hướng đến một xã hội kỹ thuật số tiến bộ hơn của Việt Nam.
Kết quả khảo sát còn chỉ ra rằng, một trong những rào cản lớn là nguồn nhân lực chất lượng cao. Với sự tiến bộ của công nghệ, nhân viên cần được trang bị những kỹ năng cần thiết để khai thác cả phần mềm và phần cứng.
Đối với Việt Nam, điều này có nghĩa là, ngay từ khi đi học, học sinh phải được phát triển các kỹ năng số và kỹ năng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Khi các học sinh, sinh viên trưởng thành và trở thành một phần của doanh nghiệp, các công ty nên tiếp tục đầu tư cho việc đào tạo nhân viên.
Đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp sản xuất nỗ lực hướng tới chuyển đổi số, nhất là trong bối cảnh các công nghệ mới liên tục được giới thiệu và đưa vào ứng dụng.
Ông có thể cho biết, Qualcomm sẽ cung cấp giải pháp cấp bách và lâu dài thế nào cho thị trường Việt Nam?
Qualcomm đã cam kết trở thành đối tác của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số. Chúng tôi đã và đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác từ nhiều ngành để giúp nhận ra tiềm năng của đất nước trong việc khai thác công nghệ, cụ thể là 5G, hướng tới tham vọng chuyển đổi số của quốc gia.
Chúng tôi đã nỗ lực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, như nguồn lực về chính sách và công nghệ 5G, cung cấp công nghệ cho các doanh nghiệp Việt; đào tạo công nghệ cho các nhà khai thác mạng như Viettel; thiết kế, tối ưu hóa, thử nghiệm mạng để hỗ trợ các thử nghiệm 5G và triển khai ở cả kết nối sub-6 và mmWave.
Về lâu dài, khi Chính phủ tập trung vào việc cung cấp 5G thương mại gắn với các lĩnh vực ưu tiên của Qualcomm tại Việt Nam, chúng tôi muốn góp phần giúp Việt Nam tăng cường hệ sinh thái sóng 5G mm, từ mạng đến các ứng dụng như lĩnh vực và thiết bị thông minh.
Qualcomm mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam phát triển đô thị thông minh. Để thúc đẩy giáo dục thông minh, chúng tôi cũng muốn sớm giới thiệu các giải pháp giáo dục như EaaS (Education-as-a-Service) tại Việt Nam.
EaaS có thể cho phép nhiều người Việt Nam tiếp cận với nền giáo dục chất lượng, đồng thời cho phép học sinh và giáo viên kết nối để có trải nghiệm học tập liền mạch cho dù họ đang ở trong lớp học hay ở nhà, hoặc ở một khu vực xa hơn. Đây là một nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu số hóa giáo dục, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Qualcomm hy vọng sẽ đóng góp hơn nữa vào sáng kiến “Make in Việt Nam” bằng cách thiết lập nhiều quan hệ hợp tác hơn với các nhà sản xuất thiết bị gốc của Việt Nam. Chúng tôi cũng đang làm điều này bằng cách tiếp tục hỗ trợ và ươm tạo các công ty khởi nghiệp thông qua cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2022 (QVIC) mùa thứ hai đang được triển khai.
Việt Nam đang dần trở thành “sân chơi” của các công ty công nghệ toàn cầu. Các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Qualcomm và Samsung tại Việt Nam đều là nơi nghiên cứu và phát triển lớn nhất của mình tại Đông Nam Á. Ông đánh giá thế nào về chất lượng nhân lực công nghệ của Việt Nam?
Tại Qualcomm, chúng tôi tự hào về những kỹ sư chất lượng cao, những người địa phương thực thụ. Họ có sự quyết tâm, lạc quan, chăm chỉ và luôn có những ý tưởng mới. Sự hỗ trợ từ các kỹ sư Việt Nam đã làm hài lòng các khách hàng tại Thái Lan, Nhật Bản…
Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển và đào tạo thêm các chuyên gia trong ngành công nghệ. Cơ hội này sẽ cho phép Việt Nam đi đúng hướng với tham vọng chuyển đổi số, trở thành một trung tâm công nghệ trong khu vực.