Việt Nam có 83 nhà máy gạch ốp lát, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Xây dựng, tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy gạch ốp lát của nước ta vào khoảng 4 tỷ USD, 65% tổng vốn đầu tư này là vốn từ các ngân hàng trong nước và vốn nhà nước.
Cả nước có 83 nhà máy sản xuất gạch ốp lát, tổng mức đầu tư các nhà máy này khoảng 4 tỷ USD.

Cả nước có 83 nhà máy sản xuất gạch ốp lát, tổng mức đầu tư các nhà máy này khoảng 4 tỷ USD.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về tình hình đầu tư, sản xuất, tiêu thụ nhiều loại vật liệu xây dựng, trong đó có gạch ốp lát.

Tính đến hết năm 2023, cả nước có 83 nhà máy sản xuất gạch ốp lát được đầu tư, công suất 831 triệu m2/năm, trong đó có 57 nhà máy gạch ceramic, tổng công suất 600 triệu m3/năm; 21 nhà máy sản xuất gạch granite, tổng công suất 200 triệu m2/năm và 5 nhà máy sản xuất gạch cotto, tổng công suất 31 triệu m2/năm.

Theo Bộ Xây dựng, tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy gạch ốp lát trên vào khoảng 4 tỷ USD (100.000 tỷ đồng), 65% tổng vốn đầu tư này là nguồn vốn từ các ngân hàng trong nước và vốn nhà nước.

Sản lượng gạch ốp lát đã tăng đều đặn từ những năm 2000 đến năm 2019 (trước đại dịch covid-19 xảy ra). Năm 2018, sản lượng gạch ốp lát của nước ta đạt 602 triệu m2, tương đương 4,6% toàn cầu và đứng thứ 4 thế giới.

Nhưng, chịu tác động của nhiều yếu tố, đầu ra thu hẹp, từ năm 2020 đến nay, sản lượng sản xuất chỉ đạt 50-60% tổng công suất thiết kế. Tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp đều trầy trật.

Riêng năm 2023, sản lượng sản xuất gạch ốp lát đạt 360 triệu m2, chỉ bằng 45% tổng công suất thiết kế của các dây chuyền đã hoạt động và giảm 3,3% so với năm 2022. Ước tình, 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng sản xuất đạt 185 triệu m2, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng tiêu thụ gạch ốp lát từ 2014 đến 2023.

Sản lượng tiêu thụ gạch ốp lát từ 2014 đến 2023.

Giai đoạn trước năm 2020, sản lượng tiêu thụ gạch ốp lát bằng 90-95% sản lượng sản xuất, trong đó tiêu thụ nội địa 80%, 20% là xuất khẩu. Nhưng 4 năm gần nhất, sản xuất và tiêu thụ đều giảm mạnh, năm 2023 chỉ đạt 305 triệu m2, bằng 85% sản lượng sản xuất.

6 tháng đầu năm nay ước tiêu thụ bằng cùng kỳ, với 166 triệu m2.

Quy mô công suất lớn, vượt so với cầu, đầu ra tại thị trường trong nước bị thu hẹp bởi thiếu vắng các dự án bất động sản, nên ngành sản xuất này đang gặp nhiều khó khăn.

Cùng đó, một lượng lớn sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ... đổ bộ vào nội địa, cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước nên khó khăn càng chồng chất.

Dữ liệu thống kê cho thấy, năm 2022-2023, nhập khẩu gạch ốp lát lên tới 100 triệu USD, tương đương 2.400 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2021, riêng nhập khẩu từ Ấn Độ hơn 50 triệu USD (hơn 1.200 tỷ đồng).

Theo các doanh nghiệp sản xuất, chi phí nhiên liệu than chiếm tỷ trọng 30% còn giá điện chiếm 8-10% trong chi phí sản xuất, việc tăng giá than và điện thời gian qua đã làm tăng chi phí sản xuất thêm 6%. Nhưng giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp lại không tăng.

Từ vài năm trước, Bộ Xây dựng đã lưu ý tới các ngành sản xuất vật liệu chính yếu như xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng trước thực trạng tổng công suất đầu tư cả 3 lĩnh vực này đều có cung vượt cầu, khiến tiêu thụ thấp hơn sản lượng sản xuất.

Riêng Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép đầu tư thay thế các dây chuyền sản xuất đã lạc hậu, không cấp phép cho các dự án mới.

Tin bài liên quan