Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 8,11 tỷ USD, qua đó nâng kim ngạch tính hết tháng 9 đạt 70,23 tỷ USD.
Dù giảm khoảng 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ đạt 85,2 tỷ USD), nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Hết tháng 9 có 11 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong số này có 3 nhóm đạt từ 10 tỷ USD trở lên.
Nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 12,5 tỷ USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,82 tỷ USD; dệt may đạt hơn 11 tỷ USD.
Như vậy, riêng 3 nhóm hàng lớn nhất chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ
Ngoài 3 nhóm hàng chục tỷ USD, các nhóm hàng lớn khác như điện thoại và linh kiện; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ…
Chiều ngược lại, hết tháng 9 kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ đạt 10,26 tỷ USD, giảm khoảng 900 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 2,63 tỷ USD, đây cũng là nhóm hàng tỷ USD duy nhất tính hết tháng 9.
Ngoài ra, còn nhiều nhóm hàng nhập khẩu từ Mỹ có kim ngạch hàng trăm triệu USD như bông; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; sắt thép phế liệu; thức ăn gia súc và nguyên liệu…
Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 80,5 tỷ USD trong 9 tháng qua, Mỹ tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Dự báo, 3 tháng cuối năm, thương mại trên đà phục hồi sẽ giúp các ngành hàng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Hợp tác kinh tế, thương mại luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt - Mỹ, năm ngoái, trao đổi thương mại 2 chiều đạt 123,9 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gần 110 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Joe Biden tới Việt Nam tháng 9/2023, chính thức nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện tiếp tục mở ra hành lang hợp tác mới, mang tính đột phá, tạo nội lực để Việt Nam thực sự góp mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu….
Trong đó, tập trung thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trong đó có năng lượng sẽ tiếp tục chiếm ưu tiên cao, đóng vai trò động lực thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương Việt - Mỹ trong thời gian tới.