Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu với Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
Ấn Độ là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu, ngược chiều với nhập siêu của cùng kỳ năm trước.

Thị trường xuất nhập khẩu lớn

Ấn Độ là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2018 và 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 chữ số (10,69 và 11,2 tỷ USD), năm 2020 giảm chút ít (còn 9,68 tỷ USD do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), nhưng năm 2021 đã vượt lên 13,21 tỷ USD, chiếm gần 2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 10,27 tỷ USD, chiếm gần 2,1%, đứng thứ 7 trong các thị trường.

Năm 2011, xuất khẩu sang Ấn Độ đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD và liên tục tăng lên từ đó đến nay (năm 2021 đạt 6,26 tỷ USD, cao thứ 8 trong các nước và vùng lãnh thổ, chiếm gần 1,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Trong 8 tháng đầu năm nay, Ấn Độ chiếm gần 2,2% và đứng thứ 8 trong các thị trường. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu sang Ấn Độ trong 8 tháng năm nay tăng 38,6%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung của cả nước.

Các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ có nhiều. Trong 28 mặt hàng chủ yếu, có 10 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, trong đó có quy mô khá là điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; kim loại thường khác và sản phẩm; hóa chất... Đặc biệt, điện thoại và linh kiện đạt 1,117 tỷ USD. Có 23 mặt hàng tăng so với cùng kỳ, trong đó có một số mặt hàng tăng khá như điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…

Đồ họa: Thanh Huyền.

Đồ họa: Thanh Huyền.

Ấn Độ cũng là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam. Ấn Độ sớm tham gia “câu lạc bộ các thị trường nhập khẩu trên 1 tỷ USD (từ năm 2009) và liên tục tăng lên từ đó đến nay. Năm 2021, nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 6,95 tỷ USD, cao thứ 10 trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Trong 8 tháng năm nay, nhập khẩu từ Ấn Độ tăng gần 2%, đứng thứ 9 trong các thị trường. Trong 31 mặt hàng chủ yếu, có 13 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, cao nhất là sắt thép, tiếp đến là kim loại thường khác và sản phẩm… Trong 31 mặt hàng chủ yếu, có 17 mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số mặt hàng có mức tăng khá, như đá quý, kim loại quý và sản phẩm; hóa chất; kim loại thường khác và sản phẩm…

Quy mô xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ lớn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là Ấn Độ có dân số đông thứ 2 thế giới (giữa năm 2021 là 1,393 tỷ người), có GDP 2020 đạt 2.660,2 tỷ USD, có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 1.000 tỷ USD.

Nguyên nhân nữa là Việt Nam và Ấn Độ nằm trong khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương gồm 12 nước. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ mật thiết trong nhiều năm qua…

Chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu

Từ trước 2017 và năm 2021, trong quan hệ buôn bán với Ấn Độ, Việt Nam liên tục ở vị thế nhập siêu, với năm cao nhất lên đến 1,2 tỷ USD. Việt Nam đã chuyển sang vị thế xuất siêu được 3 năm (năm 2018 đạt 2,39 tỷ USD; năm 2019 đạt 2,14 tỷ USD và năm 2020 đạt 0,8 tỷ USD), nhưng năm 2021, do tác động lớn của đại dịch Covid-19, Việt Nam lại nhập siêu 0,69 tỷ USD.

Trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu, ngược chiều so với nhập siêu của cùng kỳ năm trước.

Kết quả của 8 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt mức xuất siêu cao hơn và kỳ vọng tiến tới mức xuất siêu của 3 năm trước đại dịch.

Kỳ vọng trên là có cơ sở, bởi nếu nhịp độ bình quân tháng trong 4 tháng cuối năm đạt bằng với tháng 8 (xuất khẩu 756 triệu USD, nhập khẩu đạt 539 triệu USD), thì trong 4 tháng cuối năm 2022, xuất khẩu sẽ đạt 3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,2 tỷ USD; cả năm 2022, xuất khẩu đạt 8,48 tỷ USD, nhập khẩu đạt 7 tỷ USD và xuất siêu là 1,48 tỷ USD.

Kỳ vọng trên là rất tích cực, nhưng trên cơ sở xuất khẩu tăng khá cao trong 4 tháng cuối năm, còn nhập khẩu chỉ tăng nhẹ. Do vậy, cần có các giải pháp quyết liệt để khắc phục các hạn chế trong 8 tháng qua. Đối với xuất khẩu, cần khắc phục đối với những mặt hàng bị giảm, như hạt điều, chè, thức ăn chăn nuôi, than, sắt thép. Với nhập khẩu, cần kiểm soát những mặt hàng tăng cao, như thủy sản; hóa chất, sản phẩm hóa chất; vải; đá quý; kim loại quý và sản phẩm...

Tin bài liên quan