Diễn giả trình bày tại hội thảo “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam”(VNPMR) diễn ra tại Hà Nội sáng 29/12.

Diễn giả trình bày tại hội thảo “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam”(VNPMR) diễn ra tại Hà Nội sáng 29/12.

Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon

0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam”(VNPMR) đã diễn ra tại Hà Nội sáng 29/12.

Qua 5 năm thực hiện, dự án đã có những bước chuẩn bị cơ bản, tạo tiền đề cho việc hình thành các chính sách về thị trường các-bon ở Việt Nam.

Mục tiêu của định giá các-bon là hạn chế việc phát thải khí nhà kính hiệu quả thông qua việc sử dụng các cơ chế thị trường để chuyển chi phí phát thải cho các nguồn phát thải theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Các cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm trả chi phí do đã phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Việc này sẽ giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, góp phần tạo ra doanh thu và thúc đẩy đổi mới công nghệ tại các cơ sở phát thải khí nhà kính.

Trong khuôn khổ dự án VNPMR, nhiều nghiên cứu chuyên sâu nhằm đề xuất chính sách, công cụ quản lý nhà nước về thị trường các-bon, bao gồm cơ chế tạo tín chỉ, hệ thống giao dịch phát thải (ETS), phí/thuế các-bon và cơ chế chứng chỉ xanh.

Tham gia vào dự án này, Bộ Xây dựng đã xây dựng Quy trình MRV nhằm hướng dẫn kỹ thuật về các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn. Đây được đánh giá là khung hướng dẫn cơ bản để đo đạc, báo cáo và thẩm định lượng khí nhà kính giảm được, từ đó tính toán số tín chỉ các-bon mà các cơ sở tạo ra trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.

Tiến sĩ Lương Quang Huy, điều phối viên dự án VNPMR cho biết: “Để hình thành, phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam, chúng ta phải đánh giá một cách toàn diện tác động đến kinh tế - xã hội - môi trường, cũng như hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Việt Nam cũng cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Cuối cùng, chúng ta phải đảm bảo rằng có một hệ thống tương đối toàn diện, bắt đầu từ các hoạt động thí điểm, tiến tới vận hành đầy đủ thị trường các-bon ở Việt Nam và kết nối với thị trường thế giới trong tương lai. Hiện nay. chúng ta mới đang ở những bước đầu tiên và vẫn còn rất nhiều việc phải làm đối với các nội dung trong phạm vi dự án VNPMR”.

Đại biểu xem triển lãm tranh tại hội thảo VNPMR.
Đại biểu xem triển lãm tranh tại hội thảo VNPMR.

Nhằm giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hiệu quả nhất, định giá các bon đã và đang là lựa chọn của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay, trên thế giới đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá các bon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát là 12 tỷ tấn CO 2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Nguồn thu từ định giá các bon toàn cầu năm 2019 là 45 tỷ USD. Tính đến nay, có hơn 14.500 công ty, cơ sở tham gia thực hiện định giá các-bon và tạo ra hơn 4 tỷ tín chỉ các-bon.

Năm 2012, Việt Nam trở thành thành viên của “Chương trình sẵn sàng tham gia thị trường các-bon quốc tế” và năm 2015 triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam”, nhằm tăng cường năng lực xây dựng các công cụ thị trường, tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường các-bon ở Việt Nam. Qua 5 năm thực hiện, đến nay, dự án đã có những bước chuẩn bị cơ bản, tạo tiền đề cho việc hình thành các chính sách định giá các-bon.

Dù trước mắt còn nhiều việc phải làm, xong tiến tới xây dựng thị trường các-bon sẽ giúp Việt Nam thực hiện thành công việc giảm phát thải khí nhà kính theo NDCs, thực hiện Thỏa thuận Paris, phát huy tiềm năng trong giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực mới cho việc tăng trưởng kinh tế theo hướng các bon thấp và phát triển bền vững.

Ông Phạm Ngọc Quảng – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng

Tín chỉ các-bon sẽ giúp giảm thiểu được lượng rác hiện công ty tôi đang phải chôn lấp, hạn chế được các vấn đề về ô nhiễm như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất. Thứ hai là doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này sẽ có tái đầu tư, bán được tín chỉ các-bon, tạo thêm một phần thu nhập cho doanh nghiệp sau này, nâng cao chất lượng đời sống người lao động. Chúng tôi rất thiện chí với nội dung này, sẵn sàng hợp tác với các bộ, ngành và chỉ đạo của thành phố, cũng như các đơn vị tư vấn, để làm sao đáp ứng được các yêu cầu của dự án, hợp tác trong quá trình thực hiện sau này.

Ths.Matthias Krey, Giám đốc, Tập đoàn Tư vấn Khí hậu Perspectives - Trưởng nhóm tư vấn

Chúng tôi thực hiện các đánh giá như đánh giá về công nghệ ủ phân và đốt phát điện thay thế cho chôn lấp. Đối với các công nghệ này, chúng tôi đánh giá chi phí xử lý. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá chi phí cho việc thu hồi khí nhà kính từ các bãi chôn lấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy thông qua khung tín chỉ được thiết kế, chúng ta có thể có được nguồn tài chính cho các dự án xử lý chất thải, thu hồi khí bãi chôn lấp, các dự án ủ phân và đốt phát điện. Với các loại dự án này, nhà đầu tư cần chi 5-15 USD để giảm được 1 tấn CO2 để có thể thực hiện được dự án giảm phát thải đủ hấp dẫn và khả thi về tài chính trong khung tín chỉ.

Tin bài liên quan