Cụ thể, trong giai đoạn 2001-2006, tín dụng tăng trưởng trung bình 28,46%/năm, tuy nhiên, chỉ riêng năm 2007, tín dụng đã tăng 53,89% so với năm 2006. Tính trung bình giai đoạn 2007-2010, tín dụng tăng trưởng đạt 37,83%, cao hơn hẳn giai đoạn trước.
Quy mô dư nợ tín dụng không ngừng tăng lên, từ mức trung bình gần 400 nghìn tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2001-2006 đã lên mức trung bình 3.332 nghìn tỷ đồng/năm giai đoạn 2007 đến nay, cao gấp 8,3 lần giai đoạn trước.
Giai đoạn từ năm 2007 đến nay cũng cho thấy sự quan ngại về chất lượng tín dụng, khi nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng lên từ năm 2007 (năm 2007: 1,5%, năm 2008: 2,17%, năm 2009: 2,05%, năm 2010: 2,16%) sau khi giảm xuống trong giai đoạn trước đó (năm 2005: 3,17%; năm 2006: 2,6%); từ năm 2011 đến 2014, nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng (năm 2011: 3,07%, năm 2012: 4,08%, năm 2013: 3,61%, năm 2014: 3,25%).
“Chính phủ và cả hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực xử lý nợ xấu bằng các hình thức, trong đó có VAMC với trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Tuy nhiên, việc sử dụng TPĐB để xin tái cấp vốn tại NHNN vẫn không được các ngân hàng sử dụng một cách phổ biến. Bên cạnh việc TPĐB không tạo ra thanh khoản cho thị trường cùng với việc các khoản nợ xấu không được giải quyết dứt điểm mà vẫn còn đọng lại trong hệ thống tài chính, đã làm cho việc xử lý nợ xấu qua VAMC không hiệu quả và mang tính giải quyết bề nổi của hiện tượng nợ xấu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, lũy kế kể từ khi thành lập đến ngày 21/6/2015, VAMC đã mua được 157 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Một trong những mục tiêu hoạt động chủ yếu của VAMC trong năm 2015 được ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC chia sẻ với ĐTCK là: “Mua nợ bằng TPĐB tối thiểu đạt 100.000 tỷ đồng tổng dư nợ gốc (kế hoạch phát hành TPĐB 80.000 tỷ đồng). Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, VAMC đã được phê duyệt phát hành 77.000 tỷ đồng TPĐB trên 84.000 tỷ đồng nợ gốc và hiện đã phát hành 72.000 tỷ đồng”.
“Nhưng thực tế, tái cấp vốn trên cơ sở TPĐB phát hành bởi VAMC là hình thức vay vốn từ NHNN bằng nợ xấu của mình, đây là điều các ngân hàng không muốn bởi e ngại rằng những món nợ xấu này một lần nữa kéo sự chú ý của NHNN với mình. Về phía NHNN, việc tái cấp vốn trên cơ sở tài sản đảm bảo là nợ xấu cũng không được xem là giao dịch thuận lợi”, TS. Hiếu nêu quan điểm.
Trong khi đó, nếu nhìn sang các quốc gia trong khu vực châu Á cho thấy, những nỗ lực tái cấp vốn do Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 có thể được xem là kinh nghiệm tốt trong vấn đề xử lý nợ xấu. Sự tham gia mạnh mẽ của Chính phủ, bao gồm việc bơm vốn trực tiếp, là cần thiết trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Trái phiếu do Chính phủ phát hành hoặc bảo lãnh sẽ là những công cụ chủ yếu để hỗ trợ cho đóng góp của Chính phủ vào chi phí tái cấp vốn. Chỉ có Hàn Quốc và Malaysia kết hợp giữa tiền mặt và trái phiếu để cung cấp vốn, mặc dù việc bơm thêm tiền chỉ vừa đủ để không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Đáng chú ý, lãi suất trả cho trái phiếu tái cấp vốn đã được hạch toán vào ngân sách hàng năm.
Trong 4 nước nói trên, Indonesia đã sử dụng công cụ là trái phiếu và nợ để chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu (debt-to-equity swap). Trái phiếu ở đây có 2 loại là trái phiếu thả nổi và trái phiếu trả lãi định kỳ. Chủ sở hữu thuộc ngân hàng tư nhân có thể mua lại cổ phiếu sau 3 năm. Ở Malaysia, ngân hàng trung ương thành lập công ty tên là Danamodal Nasional Berhad vào tháng 8/1998, trực thuộc ngân hàng trung ương, để chuyên thực hiện nhiệm vụ tái cấp vốn và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Tại Thái Lan, nợ để chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu được sử dụng làm một biện pháp tái cấp vốn. Các khoản vay FIDF (Quỹ phát triển các tổ chức tài chính) được chuyển đổi thành vốn sở hữu (equity). Hàn Quốc thì sử dụng trái phiếu hoặc tiền mặt và cổ phiếu. Trái phiếu thả nổi được phát hành bởi Công ty Quản lý Tài sản Hàn Quốc (KAMCO) và Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Hàn Quốc (KDIC), được Chính phủ bảo đảm. Đối với cổ phiếu, công cụ được sử dụng là cổ phần của Chính phủ trong DN nhà nước.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhấn mạnh: “Những kinh nghiệm trên cho thấy, tái cấp vốn, một hình thức cho vay vốn của NHNN đối với các NHTM, tuân theo những hạn mức, quy định cụ thể trong từng thời kỳ, qua các hình thức chiết khấu, tái chiết khấu các thương phiếu, trái phiếu ngắn hạn; cho vay có đảm bảo bằng giấy tờ có giá ngắn hạn và các tài sản khác, sẽ là một giải pháp hữu hiệu, hỗ trợ các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Phương thức này có lẽ nên được tính toán áp dụng mạnh mẽ hơn”.