Chi tiêu công của Việt Nam hiện ở mức rất cao so với các nước. Một nghiên cứu của chuyên gia Phạm Thế Anh cho thấy, quy mô chi tiêu công tối ưu đối với các nền kinh tế đang phát triển nằm trong khoảng 15-20% GDP. Số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, Hong Kong, Đài Loan, Indonesia và Singapore có quy mô chi tiêu chính phủ nhỏ nhất, từ 15-18% GDP.
Trong khi đó, chi tiêu chính phủ của Việt Nam luôn vượt xa mức tối ưu này, theo Báo cáo về nợ công của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chiếm tới hơn 30% GDP vào năm 2013. Bộ Tài chính còn dự kiến mức bội chi ngân sách tiếp tục tăng từ mức dự kiến 224.000 tỷ đồng trong năm 2014 lên 226.000 tỷ đồng năm 2015.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, chi tiêu công cao nhưng hiệu quả thấp đe doạ sự ổn định của nền kinh tế trong tương lai như lạm phát cao và bất ổn, lãi suất cao chèn lấn khu vực tư nhân, thâm hụt cán cân vãng lai kéo dài, gây bất ổn tỷ giá, tăng trưởng chậm do hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp...
Việt Nam đang thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, trong khi chi thường xuyên chiếm tỷ trọng rất lớn (hơn 70% ngân sách nhà nước) còn tỷ lệ chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nuớc lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ và đang giảm dần. Tốc độ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển dù vẫn đạt 17-18% mỗi năm song thấp hơn nhiều tốc độ tăng của chi thuờng xuyên (đạt trung bình 25% giai đoạn 2008-2012).
Tỷ lệ cao của chi thường xuyên cho thấy chưa có dấu hiệu tích cực của cải cách hành chính. Sự cồng kềnh và chi tiêu tốn kém của bộ máy công quyền khiến việc cắt giảm chi ngân sách trở nên rất khó khăn.
Thêm vào đó, việc thiếu tính kỷ luật trong phân cấp tài khoá trong vài năm qua đã gây ra một số bất cập như thất thu, chi tiêu sai, đầu tư giàn trải (từ những hoạt động công ích trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế... đến các hoạt động mang tính kinh doanh thuần tuý như công nghiệp chế biến, khai khoáng, nghệ thuật, giải trí...) và thiếu hiệu quả vốn Nhà nước, thể hiện ở hệ số ICOR cao gấp khoảng 1,5-2 lần các nước khác, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước.
Bày tỏ lo ngại về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét: “Mức nợ công của Việt Nam hiện vẫn đang được đánh giá là trong phạm vi kiểm soát, nhưng nếu xét trên cấu trúc nợ của Việt Nam, thực tế có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều”. Ông Long phân tích, hiện nay về cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế có sự vênh nhau, không khớp với nhau. Điều đó có nghĩa nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ của một số chính quyền địa phương hoặc tổ chức thuộc nhà nước không được nhà nước tính vào đó.
Thực chất, với khối nợ của doanh nghiệp nhà nước rất lớn hiện nay, mức nợ công không phải là dưới 65% GDP. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học (không phải tổ chức nước ngoài) đã tính toán nợ công của Việt Nam phải là trên 100%, tức là trên mức báo động rất nhiều. Với tỷ lệ nợ công so với GDP như vậy đồng thời với những khó khăn thách thức cũng như xu hướng nợ công tăng, khả năng chi trả và việc sử dụng không hiệu qủa thì đây là tình trạng rất đáng báo động.
Thu ngân sách thiếu bền vững
Theo TS. Trần Đình Thiên, tổng thu thuế và phí của nước ta chủ yếu đến từ ba nguồn chính: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, và thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu. Tỷ trọng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp có xu hướng giảm dần trong khi tỷ trọng thu từ thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt tăng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt ngân sách trong những năm tới tăng mạnh một khi Việt Nam phải thực hiện các cam kết về giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hoá theo yêu cầu của hội nhập thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, các khoản thu từ dầu thô và các tài nguyên khác là không bền vững do các nguồn này là hữu hạn, đặc biệt giá dầu thô phụ thuộc vào thị trường thế giới. Vừa qua, giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh, gây thất thoát không nhỏ cho thu ngân sách: thu từ dầu thô giảm từ 28,8% tổng thu ngân sách xuống còn 11,6% trong năm 2011 và ước khoảng 10,2% cho năm 2015. Mặt khác, thu từ viện trợ không hoàn lại cũng không bền vững do bản chất ngắn hạn không ổn định, nhất là các khoản này có nguy cơ giảm mạnh khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang)
Tôi băn khoăn về việc nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cho công chức, viên chức. Người hưởng lương từ ngân sách chỉ có 4 triệu trong số 92 triệu dân, vậy người không có lương họ biết kêu với ai? Trong khi nợ công tăng, ngân sách hụt thu, tăng chi, nếu tăng lương thì không biết lấy đâu ra nguồn.
Trong một báo cáo gửi Quốc hội kỳ này, tôi thấy có nêu lý do 70% bội chi vừa qua do tăng lương nhiều đợt liền và bộ máy chưa được cải thiện. Tôi thấy, cái chúng ta đáng quan tâm là thu nhập của 30% công chức từ trung ương đến xã cũng như những người có công và người về hưu rất thấp, còn 70% viên chức còn lại nếu chúng ta không cải cách rất khó tăng lương.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp)
Với khoảng 2,8 triệu cán bộ ăn lương từ ngân sách nhà nước, hàng năm ngân sách phải dành ra 35% để chi trả lương và cần phải 40.000 tỷ đồng để tăng lương cho các cán bộ công chức này. Bộ máy chính quyền của ta quá lớn, cồng kềnh so với các quốc gia.