Các doanh nghiệp này cho biết, việc chuyển sang nhập khẩu, phân phối xe nguyên chiếc thay vì tiếp tục lắp ráp do chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thường cao hơn chi phí sản xuất, lắp ráp tại các nước như Thái Lan hay Indonesia.
Đặc biệt, chênh lệch chi phí sản xuất một chiếc ô tô tại Việt Nam có thể sẽ lên đến 20% so với xe lắp ráp tại Thái Lan, Indonesia sau năm 2018 khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ cắt giảm thuế suất cho các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực về mức 0%.
Tuy nhiên việc người Việt Nam mong giá ô tô giảm thêm sẽ rất khó vì hầu hết các doanh nghiệp đã tận dụng mùa mua sắm lớn nhất của năm mạnh tay ưu đãi giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng ngay những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017 nên giá xe khó có thể giảm tiếp.
Thêm nữa, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi từ năm 2016, thay vì giá tính thuế chỉ là giá CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập, gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hoá tới cửa khẩu của bên nhập) nhập tại cảng kèm thuế nhập khẩu, thì giá thuế tiêu thụ đặc biệt mới phải cộng thêm một phần lợi nhuận, chi phí kho bãi, marketing, cước vận chuyển từ nhà nhập khẩu tới tay đại lý phân phối cho người tiêu dùng khiến giá bán lẻ ôtô sẽ tăng hơn.
Theo VAMA, trong năm 2016, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam là hơn 304.000 xe, vượt xa so với mức doanh số 244.914 xe trong năm 2015.