Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được thành lập, tiếp quản phần lớn nợ xấu từ các ngân hàng và đã xử lý được một phần số nợ xấu này, tạo dư địa cho các ngân hàng tiếp tục thực hiện các hoạt động tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu liên tục giảm. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện phân loại nợ khắt khe hơn. Những thành công ban đầu như vậy là rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, còn cần tạo ra giải pháp lâu dài và bền vững nhằm xử lý vấn đề nợ xấu. Đây là một vấn đề đối với ổn định tài chính, vì nó vẫn có khả năng làm suy giảm hoạt động kinh tế. Giải quyết vấn đề nợ xấu một cách bền vững cần có các giải pháp tổng thể, đa chiều, bao gồm cả vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Vai trò của VAMC
Một trong những thành công lớn trong xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng là việc thành lập VAMC. VAMC đã mua lại hơn 8 tỷ USD nợ xấu (qua phát hành trái phiếu đặc biệt) kể từ khi thành lập vào tháng 7/2013, và tính đến tháng 5/2015, VAMC đã giải quyết khoảng 400 triệu USD nợ xấu, tương đương 5% tổng số nợ đã mua.
Phần lớn nợ xấu được VAMC mua từ các ngân hàng thương mại với giá trị gần tương đương với giá trị sổ sách, để đổi lấy trái phiếu đặc biệt của VAMC với lãi suất 0%. Qua việc chuyển nợ xấu sang VAMC và tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh trong năm 2015, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, quá trình này chỉ giúp giải quyết tạm thời rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng, bởi nợ xấu vẫn có khả năng quay trở lại nếu VAMC không xử lý được nợ xấu trước khi trái phiếu đến hạn.
Theo Thông tư 14/2015/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, kể từ ngày 15/10/2015, VAMC sẽ được áp dụng cơ chế mua bán nợ xấu theo giá thị trường, cho phép VAMC linh hoạt hơn trong việc bán nợ xấu, như qua phương thức bán trực tiếp. Quy định mới này sẽ giúp việc xử lý nợ xấu nhanh hơn và bền vững hơn, cũng như ít bị mất giá hơn.
Chưa dễ đạt chuẩn quốc tế
Dù đã có nhiều cải thiện trong khuôn khổ pháp lý và quản lý, cũng vẫn còn quan ngại trong quá trình xử lý nợ xấu về quy mô thực sự của nợ xấu nếu tính theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế. Điều này là quan trọng nếu chúng ta muốn các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào việc xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Việc phân loại và trích lập dự phòng rủi ro nợ vẫn chưa theo thông lệ quốc tế và các tiêu chuẩn kế toán cũng cần nâng cấp.
Phần lớn nợ xấu chuyển sang VAMC mang tính chất “nhập kho” tạm thời nhiều hơn là giải quyết dứt điểm, nên con số nợ xấu thấp hơn vẫn chưa tạo được niềm tin vào sức mạnh hiện tại của hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, hầu hết các khoản nợ xấu được VAMC giải quyết là do các ngân hàng thương mại, trước đó sở hữu những khoản nợ xấu này, mua lại.
Quản lý nợ xấu vẫn còn nhiều thách thức, một phần là do mức độ tuân thủ các Nguyên tắc Basel còn thấp. Chức năng giám sát và chức năng thanh tra cần được nâng cao. Giám sát hợp nhất phải được thực hiện một cách hiệu quả, hoạt động giám sát phải năng động hơn và liên tục cải thiện.
Muốn vậy, cần quy định rõ mục đích và trách nhiệm của các cơ quan tham gia giám sát. Cần tăng cường quy định về báo cáo và công khai tài chính đối với ngân hàng, đồng thời với chất lượng thông tin, nhất là thông tin phi tài chính.
Lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Để đảm bảo có một ngành ngân hàng lành mạnh và phát triển bền vững, Việt Nam cần giải quyết nợ xấu trực tiếp hơn để giảm quy mô nợ xấu trong hệ thống. Quan trọng không kém là việc xử lý đường đi của nợ xấu. Điều này sẽ cần giám sát ngân hàng chặt chẽ hơn và cải thiện khuôn khổ pháp lý gần với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, để xử lý nợ xấu hiệu quả và nhanh hơn, nhằm giảm ảnh hưởng đến giá tài sản và hoạt động kinh doanh có liên quan.
Trong giai đoạn trước mắt, cần đánh giá chính xác và thẳng thắn khối lượng nợ xấu trong hệ thống (qua kiểm toán đặc biệt các ngân hàng). Ngoài ra, cũng cần kiểm toán hoạt động để làm cơ sở xây dựng các chương trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại quốc doanh.
Trong giai đoạn này, cần chuẩn bị xây dựng một chương trình giải quyết nợ xấu thực hiện đồng thời trên 4 hướng: một hướng do các ngân hàng chủ trì thực hiện, một hướng do VAMC chủ trì thực hiện và hai hướng còn lại tập trung giải quyết các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn và phức tạp. Cũng cần phải xác định rõ những nét chính trong mối quan hệ tác động qua lại trong hệ thống ngân hàng và khách hàng, nhằm giám sát rủi ro hệ thống trong giai đoạn cải cách này.
Trong giai đoạn tiếp theo, ngân hàng sẽ thực hiện bổ sung vốn, các ngân hàng thương mại quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước sẽ thoái vốn và bán cổ phần tại các ngân hàng khác. Đây là giai đoạn cần chuẩn bị và thực hiện cải cách hệ thống pháp quy và giám sát; thực hiện lộ trình Basel 2 mà NHNN đã phê duyệt. Đồng thời, cần đưa ra các biện pháp nhằm giải phóng các ngân hàng thương mại quốc doanh khỏi nhiệm vụ chính sách, để họ tập trung vào các hoạt động kinh doanh thương mại.
Bên cạnh đó, cần thực hiện sâu hơn lộ trình phát triển thị trường vốn, cải cách cơ sở hạ tầng tài chính và môi trường pháp lý để giảm áp lực cho ngành ngân hàng phải đáp ứng nhu cầu tài chính và đầu tư của nền kinh tế.
Thực hiện lộ trình này sẽ giúp Việt Nam có được một giải pháp bền vững cho vấn đề nợ xấu và hỗ trợ phát triển khu vực ngân hàng ổn định và lành mạnh.
Việt Nam đang thiếu quy định về quyền sở hữu kinh tế đối với bất động sản gắn với khoản nợ xấu
Bà Nguyễn Hạnh Nam, Phụ trách Khối Khách hàng định chế
tài chính khu vực Mê Kông của IFC
Một trong những quan ngại đáng kể hiện nay là xu hướng gia tăng các khoản nợ xấu, nhân tố chính cản trở các TCTD tăng các khoản cho vay mới, do đó, sẽ tác động tới tiềm năng phục hồi của nền kinh tế. Trong bối cảnh này, IFC tiếp tục tập trung thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán tài sản xấu ở các nền kinh tế đang nổi, giúp các TCTD có thêm cơ chế xử lý những khoản nợ xấu và làm sạch bảng cân đối tài sản, tiếp tục tài trợ cho những khách hàng thực sự cần thêm vốn để phát triển.
Với mục đích này, IFC đã đầu tư mua các khoản nợ xấu và các tài sản cần xử lý vượt qua con số 30 tỷ USD (theo số dư nợ gốc). Để đạt được danh mục này, IFC đã thiết lập một mạng lưới hợp tác trên quy mô toàn cầu với các công ty thu hồi nợ và chuyên xử lý các khoản nợ xấu. IFC cũng kết nối các công ty này với các quỹ đầu tư được thành lập bởi IFC và các đối tác của mình, nhằm giúp họ có nguồn lực tài chính để mua nợ xấu từ các định chế tài chính ở các thị trường khác nhau.
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tỷ lệ nợ xấu cao của khu vực ngân hàng, mà việc thành lập VAMC là một bước tiến rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, bên cạnh những nỗ lực đã có, điều cần thiết nhất hiện nay là làm sao để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia xử lý nợ xấu, rót thêm vốn cho các ngân hàng để giải quyết hiệu quả các khoản nợ khó đòi, làm sạch bảng cân đối tài sản, để có khả năng tiếp tục cấp tín dụng một cách lành mạnh, bền vững.
Một trong những bất cập trong quy định pháp luật hiện đang ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ xấu tại Việt Nam chính là việc thiếu quy định rõ ràng về quyền sở hữu kinh doanh đối với bất động sản là tài sản thế chấp trong các khoản nợ xấu. Nếu có thể thiết lập một cơ chế luật pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu về mặt kinh tế của các bất động sản gắn với các khoản nợ xấu này, chúng tôi tin rằng, Việt Nam có thể huy động đáng kể nguồn vốn nước ngoài vào mua và xử lý nợ xấu.