Việt Nam cần thêm bao nhiêu chỉ số?

Việt Nam cần thêm bao nhiêu chỉ số?

(ĐTCK-online) Việt Nam nên sớm thống nhất, hoàn thiện một bộ chỉ số đầy đủ và công bố rộng rãi, thay vì để tình trạng loạn chỉ số như hiện nay.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có văn bản yêu cầu 2 Sở GDCK Hà Nội và TP. HCM tìm biện pháp khắc phục tình trạng "méo mó" của Index do tác động từ việc tăng - giảm bất thường của các cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường.

Theo UBCK, việc giám sát giao dịch thời gian qua cho thấy VN-Index và HNX-Index thường bị tác động bởi một số cổ phiếu có khối lượng niêm yết lớn. Những mã chứng khoán này có khả năng tác động đến xu hướng của các chỉ số nhưng lại có thanh khoản không cao. Thực trạng này khiến các chỉ số "không phản ánh đúng thực tế" trên thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo tôi, đây không phải là một hiện tượng bất thường của chỉ số. Mỗi chỉ số được tính toán đều dựa trên một nguyên tắc nhất định, phản ánh đúng bản chất của diễn biến thị trường theo cách mà nó đo lường. Không thể bảo chỉ số bị "méo mó" mà phải nhìn nhận chỉ số đó có đo lường hiệu quả hay không?

Vì vậy, việc can thiệp vào cách tính chỉ số sẽ chỉ làm mọi việc trở nên rối hơn mà không đem lại hiệu quả. Trường hợp điều chỉnh giá cổ phiếu SQC là một hiện tượng đáng tiếc, bởi thay đổi cách tính đã làm mất đi sự tương quan so sánh giữa từng thời điểm của chỉ số. Việc điều chỉnh tưởng như làm mất đi sự "méo mó" nhưng thực chất lại làm chỉ số bị "méo mó" hơn. Điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức của những nhà đầu tư và cả nhà quản lý.

Bản chất của hiện tượng được mọi người gọi là méo mó hiện nay là sự bất thường trong diễn biến giá của một số cổ phiếu. Nếu cần sự can thiệp, thì các cơ quan quản lý cần tăng cường biện pháp giám sát, nhằm phát hiện hành vi thao túng giá (một hành vi vi phạm pháp luật) chứ không phải tìm cách điều chỉnh phương pháp tính chỉ số.

 

Việt Nam có cần nhiều bộ chỉ số?

Theo Trung tâm Nghiên cứu khoa học & đầu tư chứng khoán (SRTC), hiện nay các nước trên thế giới dùng 5 phương pháp để tính chỉ số giá cổ phiếu, đó là phương pháp Passcher (Việt Nam đang sử dụng), phương pháp Laspeyres, chỉ số giá bình quân Fisher, phương pháp số bình quân giản đơn và bình quân nhân giản đơn. Mỗi phương pháp này đều có ưu và nhược điểm riêng, phụ thuộc vào cách chọn quyền số và rổ cổ phiếu đại diện tính toán.

Trên thế giới, mỗi thị trường đều có nhiều bộ chỉ số khác nhau và nhà đầu tư nào quan tâm đến lĩnh vực hay nhóm cổ phiếu nào sẽ chỉ tập trung theo dõi chỉ số phản ánh lĩnh vực đó. Việc xây dựng và tính toán chỉ số cũng không nhất thiết phải do Sở GDCK tiến hành, mà có thể là một tổ chức độc lập. Thậm chí, những chỉ số phản ánh chính xác thị trường, chỉ được bán cho những nhà đầu tư nào sẵn sàng trả tiền.

Ở Việt Nam , không phải chỉ có 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index, UPCoM-Index mà còn nhiều chỉ số khác cũng đang được công bố. Không chỉ bao phủ toàn bộ thị trường, các bộ chỉ số còn bao phủ đến các nhóm ngành, giá trị vốn hóa… Đa số các chỉ số này được tính toán bởi các CTCK và được công bố trên website hay trong các bản báo cáo phân tích. Tuy nhiên, mức độ phổ biến của các chỉ số này chưa phủ rộng đến giới đầu tư, cũng không được giới đầu tư đánh giá cao do nghi ngờ mức độ chính xác. Thậm chí, nhiều bộ chỉ số chồng chéo nhau, khiến nhà đầu tư như lạc trong ma trận.

Vậy Việt Nam có cần thêm một bộ chỉ số nào nữa không? Câu trả lời vẫn là có. Có lẽ 2 Sở GDCK nên sớm thống nhất, hoàn thiện một bộ chỉ số đầy đủ và công bố rộng rãi, thay vì để tình trạng loạn chỉ số như hiện nay.