Mới có chưa đến 100 DN trong gần 700 DN niêm yết của Việt Nam có báo cáo một số thông tin về môi trường và xã hội trong BCTN

Mới có chưa đến 100 DN trong gần 700 DN niêm yết của Việt Nam có báo cáo một số thông tin về môi trường và xã hội trong BCTN

Việt Nam cần sớm xây dựng chỉ số chứng khoán xanh

(ĐTCK) Tại Việt Nam, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đang chuẩn bị những bước cần thiết để có thể tiến tới xây dựng chỉ số xanh cho TTCK. Tuy nhiên, đến nay, khái niệm về chỉ số xanh hay chỉ số phát triển bền vững (PTBV) vẫn còn khá mới mẻ với thị trường.

Trong 5 năm trở lại đây đã chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt chỉ số PTBV, tập trung nhiều ở các nước đang phát triển. Các nhà đầu tư thừa nhận những chỉ số này là cách thức tương đối hiệu quả về chi phí để tìm kiếm những công ty niêm yết PTBV tốt nhất trên thị trường.

Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC) cũng đã tham gia hỗ trợ một số sở GDCK xây dựng các chỉ số PTBV, trong đó phải kể đến chỉ số doanh nghiệp PTBV (ISE - Índice de Sustentabilidade Empresarial) của Brazil; chỉ số ESG (môi trường, xã hội và quản trị) của S&P ở Ấn Độ; chỉ số ESG của S&P/Hawkamah Pan Arab của các nước Ả Rập và chỉ số toàn cầu S&P IFCI Carbon Efficiency Index.

Chỉ số ISE của Sở GDCK BM&FBOVESPA Brazil khi ra đời vào năm 2005 được coi là một trong những chỉ số PTBV đầu tiên của các thị trường đang phát triển (trước đó có chỉ số PTBV của Sàn chứng khoán Johannesburg ở Nam Phi, ra đời vào năm 2004).

Theo các chuyên gia của IFC, chỉ số ISE của Brazil được xây dựng bởi một nhóm tổ chức đại diện cho cả lợi ích của PTBV môi trường, cộng đồng và lợi ích của nhà đầu tư. Nhóm này cũng tham gia vào hội đồng quản trị của chỉ số.

Thành viên hội đồng quản trị của ISE gồm có Quỹ Hưu trí Brazil (ABRAPP), Hiệp hội Các định chế thị trường tài chính và vốn Brazil (ANBIMA), Hội các nhà phân tích thị trường vốn và phân tích đầu tư (APIMEC), BM&FBOVESPA, Viện Quản trị doanh nghiệp Brazil (IBGC), IFC, Viện Trách nhiệm xã hội Ethos, Bộ Môi trường Brazil và Chương trình môi trường của Liên Hợp quốc (UNEP).

Top 200 công ty có cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên Sở GDCK BM&FBOVESPA Brazil được tham gia một khảo sát về hiệu quả hoạt động trong ba lĩnh vực: môi trường, xã hội và tài chính. Những công ty tham gia khảo sát này cũng được quyền quyết định họ có muốn được xem xét tham gia chỉ số ISE hay không.

Dựa trên phân tích kết quả của khảo sát, tư vấn kỹ thuật của ISE, Trung tâm Nghiên cứu PTBV Fundação Getulio Vargas’s (GVCes) sẽ chọn lựa đề xuất 40 công ty tốt nhất để đưa vào chỉ số.

40 công ty này sẽ cần nhận được sự phê duyệt của hội đồng quản trị chỉ số để chính thức nằm trong danh mục của ISE. ISE được xây dựng là chỉ số bình quân gia quyền theo giá trị vốn hóa thả nổi. Tuy nhiên, mỗi nhóm ngành kinh tế có mặt trong chỉ số không được đại diện quá 15% tổng giá trị vốn hóa thị trường.

Chỉ số ESG của S&P ở Ấn Độ được xây dựng bởi một nhóm đối tác là Standard & Poor’s, CRISIL (chuyên về đánh giá tín nhiệm của Standard & Poors) và Viện Nghiên cứu KLD với sự hỗ trợ của IFC. Mục đích của chỉ số này là nâng tầm các công ty có hiệu quả tốt về môi trường, xã hội và quản trị.

India Index Services & Products Ltd.(IISL) - một liên doanh giữa Sở GDCK Quốc gia Ấn Độ (National Stock Exchange of India) và CRISIL là đối tác kỹ thuật của chỉ số. 50 công ty tốt nhất về ESG trong Top 500 công ty niêm yết tính theo giá trị vốn hóa thị trường sẽ được chọn lựa đưa vào danh mục của chỉ số.

Mỗi công ty sẽ được chấm điểm trên 3 phương diện: điểm lượng, điểm chất và điểm tổng hợp. Sau khi qua vòng đánh giá ESG, cổ phiếu của các công ty sẽ được đánh giá về mức độ thanh khoản. Chỉ những công ty có lượng giao dịch tối thiểu 20 tỷ rupi (hơn 310 triệu USD) trong vòng 12 tháng mới được xem xét chọn lựa vào chỉ số. Trọng số của mỗi cố phiếu được xác định theo điểm môi trường, xã hội và quản trị.

Theo báo cáo của IFC “Đánh giá và nâng cao giá trị của các chỉ số PTBV tại các thị trường phát triển”, từ 2004 đến 2009 có khoảng 17 chỉ số PTBV ra đời ở các thị trường đang phát triển.

Mục đích của các Sở GDCK khi xây dựng các chỉ số này thường để giúp các nhà đầu tư tìm được những công ty công bố thông tin cũng như có hiệu quả PTBV tốt hơn ở một thị trường nhất định hay khuyến khích các công ty niêm yết cải thiện hiệu quả PTBV.

Tuy nhiên, Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, các chỉ số PTBV ở các thị trường phát triển đã tồn tại được một thời gian dài, các chỉ số này đã được nhiều nhà đầu tư biết đến cũng như tạo dựng được một số nhân tố thành công như cung cấp được một số sản phẩm “đầu tư được” và có thương hiệu.

Trong khi đó, chỉ mới ra đời được một vài năm, hầu hết các chỉ số PTBV của các thị trường đang phát triển chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Nguyên nhân là bởi, các nhà đầu tư chú trọng đến chiến lược đầu tư bền vững một cách chủ động, như tính đến các yếu tố ESG trong quy trình thẩm định đầu tư, chứ không dùng một chiến lược đầu tư mang tính thụ động - tức là chỉ nhắm vào các chỉ số PTBV.

Hai là các nhà đầu tư ngày càng tham vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn với danh mục đầu tư bền vững của mình, nhưng có thể không hiểu rõ làm thế nào một chỉ số có thể đạt được điều đó. Và cuối cùng là các nhà đầu tư còn thiếu thông tin về cách thức phân tích và chọn lựa nhóm công ty cho các chỉ số PTBV này.

Báo cáo của IFC cũng thừa nhận, các chỉ số PTBV đóng vai trò quan trọng hỗ trợ các nhà đầu tư công nhận và tôn vinh các giá trị phi tài chính và tạo điều kiện cho thị trường đề cao hiệu quả PTBV của doanh nghiệp. Tuy vậy, những lợi ích này chỉ có thể đạt được nếu chỉ số đó được xây dựng với một mô hình kinh doanh phù hợp và đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư.

Vậy ở Việt Nam thì sao? Để xây dựng các chỉ số xanh tại Việt Nam, điều kiện cần đầu tiên là sự sẵn có thông tin về hiệu quả hoạt động PTBV của các doanh nghiệp niêm yết.

Hiện nay, mới có chưa đến 100 doanh nghiệp trong số gần 700 doanh nghiệp niêm yết trên hai sở GDCK có báo cáo một số thông tin về môi trường và xã hội trong báo cáo thường niên (trong đó chỉ khoảng 50% số này thông tin tương đối cụ thể).

Như vậy, công tác công bố thông tin minh bạch, đặc biệt các thông tin liên quan đến tác động môi trường, xã hội, quản trị, cũng như các vấn đề PTBV khác của các doanh nghiệp niêm yết cần được tăng cường.

Thứ hai, cần có sự tham gia hợp tác của các tổ chức đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc chọn lựa các doanh nghiệp đủ điều kiện vào các “rổ” chỉ số xanh. FTSE, Bloomberg hay MSCI đang mở rộng dịch vụ thông tin phi tài chính của mình để cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin cũng như xếp hạng doanh nghiệp về hiệu quả hoạt động ESG.

Chỉ số FTSE4Good Bursa Malaysia Index gồm các doanh nghiệp đi đầu trong quản trị rủi ro môi trường, xã hội trên thị trường Malaysia được xây dựng trên cơ sở hợp tác với FTSE và tuân thủ theo các nguyên tắc chung của FTSE4Good Index và các nguyên tắc báo cáo toàn cầu của Global Reporting Initiative và Dự án CDP (Carbon Disclosure Project).

Thứ ba, cần có sự tham gia hưởng ứng của các định chế đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, ở Việt Nam, số tổ chức đầu tư có định hướng ESG chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nổi lên là VietNam Holding Ltd. (VNH) với cổ phiếu được niêm yết tại thị trường AIM của London và Entry Standard của Frankfurt có mục tiêu đạt lợi nhuận cao từ đầu tư mạo hiểm, bằng cách kết hợp việc phân tích tài chính chặt chẽ với việc nghiên cứu tính tương tác bền vững và có tính tới các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp trong quá trình phân tích đầu tư và ra quyết định.

Hơn thế, chỉ số PTBV và đầu tư bền vững cũng chỉ là một phần của câu trả lời cho bài toán làm thế nào nâng cao hiệu quả PTBV của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng và TTCK nói chung. Cơ chế ưu đãi tài chính, yêu cầu và chuẩn công bố thông tin đối với các công ty niêm yết, sự tham gia giám sát của các bên liên quan, các quy định của cơ quan quản lý vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong nỗ lực này.

Tin bài liên quan