Chiều ngày 1/9/2021, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo trực tuyến để tham vấn các chuyên gia quốc tế trong quá trình hoàn thiện Đề án “Đánh giá kết quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2013-2020 và đề xuất định hướng cho giai đoạn 2021-2030”.
Hội thảo tập trung vào việc tham vấn về công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia với hệ số tín nhiệm tương đồng với nước ta.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe báo cáo tổng hợp nhận định từ phía tư vấn quốc tế về kết quả đạt được, tồn tại, khó khăn trong công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2013-2020, khuyến nghị về mục tiêu, giải pháp đề ra cho giai đoạn 10 năm tới.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc gia, trong thập kỷ vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm, đề cao tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia và sự cần thiết của việc cải thiện kết quả hệ số tín nhiệm quốc gia.
Để tạo điều kiện cho Chính phủ cũng như các thành phần kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường vốn quốc tế, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất trên thế giới gồm Moody’s, S&P và Fitch.
Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao định mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đồng thời ban hành quyết định về việc cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Cùng với việc nâng cao chất lượng quan hệ hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, những thành tựu kinh tế - xã hội nước ta đạt được trong một vài năm gần đây cũng được ghi nhận. Các biện pháp tăng thu tiết kiệm chi đã góp phần giảm bội chi. Bên cạnh đó, các giải pháp tái cơ cấu nợ, quản lý nợ theo hướng bền vững đã góp phần tạo dư địa cho các chính sách tài khóa, hỗ trợ ứng phó với các rủi ro như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh…
Việc thực hiện hiệu quả nghiệp vụ quản lý nợ chủ động cũng được các tổ chức xếp hạng đánh giá cao, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia, đặc biệt kể từ năm 2014 đến nay.
"Xét bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và sẽ dần phụ thuộc nhiều hơn vào vay thương mại, việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia là thông điệp có ý nghĩa hết sức tích cực. Một mặt góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, cả nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp", ông Trương Hùng Long chia sẻ.
Với việc nâng bậc tín nhiệm, chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp sẽ giảm xuống. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần, tiến tới kết thúc. Vì vậy, để hướng tới mục tiêu cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa và đặt ra kế hoạch, định hướng cụ thể cho công tác điều hành, phối hợp cho trung và dài hạn.
Theo đại diện Standard Chartered, việc thực hiện kế hoạch sẽ phụ thuộc vào các lĩnh vực chính, gồm: tốc độ cải thiện sức khỏe khu vực ngân hàng và tốc độ giảm rủi ro nợ tiềm tàng nhanh hơn; tốc độ mở rộng chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước nhanh hơn nhằm hỗ trợ cải thiện tỷ lệ nợ do tỷ lệ thu ngân sách nhà nước hiện nay đang ở mức thấp hơn các nước đồng hạng; cải thiện hơn nữa tính minh bạch tài khóa và công khai dữ liệu.