Xây dựng các tập đoàn kinh tế hùng mạnh là vấn đề mang tính thời sự, cần được Chính phủ khuyến khích bằng hành lang luật pháp và các ưu đãi thỏa đáng

Xây dựng các tập đoàn kinh tế hùng mạnh là vấn đề mang tính thời sự, cần được Chính phủ khuyến khích bằng hành lang luật pháp và các ưu đãi thỏa đáng

Việt Nam cần những tập đoàn kinh tế hùng mạnh

(ĐTCK) So với những nước phát triển trong khu vực, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn quá ít về số lượng, sức cạnh tranh kém. Nhà nước cần có chủ trương, chính sách khuyến khích việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế lớn, trong đó có những tập đoàn xuyên quốc gia để đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới, khi nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

1. Kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2000 được ban hành, cùng với sự phát triển và cổ phần hóa khối doanh nghiệp Nhà nước, sự gia tăng mạnh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp tư nhân đã tăng nhanh về số lượng và biến đổi cơ bản về chất lượng. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2014, nước ta có khoảng 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Phân loại theo tiêu chí về vốn (căn cứ vào Nghị định 56/2009) thì doanh nghiệp nhỏ chiếm tới 79,2%, doanh nghiệp vừa chiếm 14,2%. Doanh nghiệp lớn chiếm 6,6%, trong đó có một số tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng, viễn thông, tập đoàn kinh tế tư nhân như Vingroup, Hoàng Anh - Gia Lai, Hòa Phát, Tôn Hoa Sen…

Việt Nam cần những tập đoàn kinh tế hùng mạnh ảnh 1

GS. TSKH Nguyễn Mại
 

Mặc dù vậy, so với những nước phát triển hơn trong khu vực ASEAN, doanh nghiệp trong nước vẫn còn quá ít về số lượng, quy mô nhỏ, vốn ít, chưa có công ty xuyên quốc gia, năng lực cạnh tranh dù được cải thiện nhưng vẫn còn kém hơn nhiều các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực.

Vốn chủ sở hữu của tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất là Vingroup cũng chỉ có 30.543 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD). Tập đoàn Hòa Phát có vốn  11.798 tỷ đồng (hơn 500 triệu USD). Tập đoàn công nghệ thông tin FPT mặc dù đã vươn ra một số thị trường nước ngoài, nhưng doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 là 19.328 tỷ đồng (khoảng 860 triệu USD).

Cách đây 1 năm, một ngân hàng thuộc loại lớn nhất nước ta, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIVD) đã không được lựa chọn mở ngân hàng tại Myanmar vì vốn chủ sở hữu của ngân hàng này chỉ bằng 1/10 của những ngân hàng các nước khác tham gia đấu thầu.

Vì vậy, cùng với việc khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách khuyến khích việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế lớn, trong đó có những tập đoàn xuyên quốc gia để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, khi nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

2. Lịch sử phát triển của các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới đã diễn ra quá trình tích tụ và tập trung tư bản, hình thành các tập đoàn, công ty đa quốc gia, gắn liền với việc quốc tế hóa hoạt động thương mại và đầu tư.

Tại Mỹ, hiện có khoảng 30 triệu doanh nghiệp, từ hình thức công ty một thành viên đến tập đoàn - hình thức tổ chức phổ biến của các công ty lớn. Từ năm 1900, các tập đoàn đã chiếm 50% thị phần ngành dệt, 54% thị phần ngành thủy tinh, 62% ngành sách và giấy, 62% ngành thực phẩm.

Đặc biệt, Tập đoàn Standard Oil do Rockefeller thành lập năm 1870 sau khi sáp nhập với US Steel Corporation của J. P Morgan và E, H, Gary vào năm 1897 đã kiểm soát tới 90% các nhà máy lọc dầu của Mỹ, đến năm 1904 chiếm 85% thị trường nội địa và 90% kim ngạch xuất khẩu.

Các tập đoàn Mỹ đóng vai trò quyết định trong tất cả các ngành và lĩnh vực, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu, tạo ra giá trị gia tăng cao, đi đầu trong nghiên cứu và phát triển, đổi mới quản trị doanh nghiệp và tái cấu trúc nền kinh tế. Tập đoàn được bảo hộ bởi 1 trong 50 bang của Mỹ, được đối xử trước pháp luật như một pháp nhân, được huy động vốn theo nhiều phương thức như phát hành trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu thường, vay tín dụng.

Ở những nước công nghiệp phát triển của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế lớn như Toyota, Honda, Toshiba, Mitsubishi, Samsung, LG, Kia-motor, Posco, Huyndai… giữ vị trí chi phối toàn bộ hoạt động của nền kinh tế quốc dân.

Các tập đoàn kinh tế thiết lập quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong từng chuỗi giá trị sản phẩm bằng nhiều phương thức, mỗi tập đoàn có mạng lưới xí nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cung ứng nguyên vật liệu, dịch vụ đầu vào và phân phối sản phẩm đầu ra; được tập đoàn hỗ trợ vốn, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, do đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn bó hữu cơ với tập đoàn, kinh doanh theo chiến lược phát triển của tập đoàn nên có lãi, tích tụ được vốn và mở rộng kinh doanh.

Trong những năm gần đây, cùng với việc rót vốn mạnh vào thị trường Việt Nam của Tập đoàn Samsung, khoảng 100 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam để làm công nghiệp hỗ trợ.

3. Phần lớn tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam hiện theo mô hình công ty gia đình, cổ phần chính do vợ chồng, anh em, con cháu ông chủ công ty nắm giữ. Một số tập đoàn đã trở thành công ty đại chúng và được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Mục tiêu quan trọng hàng đầu của việc phát triển tập đoàn kinh tế là tích tụ và tập trung vốn để mở rộng sản xuất với quy mô ngày càng lớn. Điều đó có liên quan đến hệ thống luật pháp của Nhà nước được hình thành theo định hướng nhất quán, vừa bảo đảm quyền lợi của người lao động bằng hệ thống tiền lương, bảo hiểm, phúc lợi được gia tăng với mức hợp lý, tương ứng với tăng năng suất lao động, chỉ số giá cả; bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước hàng năm thỏa mãn các nhu cầu chi thường xuyên, quốc phòng, an ninh và đầu tư; đồng thời phải dành cho doanh nghiệp tỷ lệ tích lũy thỏa đáng, nhất là giai đoạn đầu để nhanh chóng hình thành những tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực.

Trong một số trường hợp cần thiết, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính như tín dụng lãi suất thấp, ưu đãi thuế để thực hiện những định hướng quan trọng, như hoạt động trong ngành công nghệ cao, đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển, tham gia vào quá trình tái cấu trúc nông nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất tiệm cận các nước tiên tiến trên thế giới, bảo đảm an toàn thực phẩm; đầu tư ra nước ngoài trong một số ngành có triển vọng đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp và đất nước; nhận thầu công trình ở nước ngoài đòi hỏi kỹ thuật cao để thiết lập chỗ đứng cho doanh nghiệp Việt Nam tại nước đó. Đây là những vấn đề chưa được đặt ra để nghiên cứu trong quá trình hình thành các luật thuế, luật tín dụng, ưu đãi tài chính.

Những năm gần đây, nhiều ông chủ tập đoàn kinh tế tư nhân đã thể hiện được tài năng kinh doanh, có tầm nhìn ra thế giới, có ý chí và quyết tâm vươn ra khu vực, hình thành chiến lược phát triển trong nước và đầu tư ra nước ngoài, đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình đáng khích lệ.

Vingroup từ đầu tư bất động sản đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh ra siêu thị, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng. TH True Milk đã thành công bước đầu trong việc biến vùng đất không mầu mỡ ở Nghĩa Đàn, Nghệ An thành vùng chăn nuôi bò sữa, sản xuất sữa ngang tầm khu vực, với sự hợp tác của các chuyên gia Israel. Hoàng Anh - Gia Lai không những nổi tiếng trong trồng cao su, đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ, mà khá thành công trong nuôi bò thịt, kinh doanh mía đường tại Lào, tổ hợp khách sạn, văn phòng tại Myanmar…

Vấn đề của các ông chủ tập đoàn là làm thế nào để trên mỗi chặng đường phát triển, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người lao động, lợi ích của cộng đồng và lợi ích của từng địa phương và của đất nước. Thái quá đối với lợi ích của tập đoàn sẽ tạo ra xung đột với các lợi ích khác, không thể phát triển nhanh và bền vững được.

Một vấn đề đáng được quan tâm là mối liên kết giữa tập đoàn kinh tế với ngân hàng thương mại, với mặt tích cực là tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế thực hiện nhanh và có hiệu quả nhiều dự án, công trình lớn trong nước và ở nước ngoài, nhưng cũng nảy sinh mặt tiêu cực. Do “quan hệ cánh hẩu” với các tập đoàn nên các ngân hàng đã có những khoản tín dụng lớn khá dễ dãi, khiến nợ xấu gia tăng, thậm chí mất vốn. Nhiều đại gia ngân hàng thời gian qua đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cũng cần nhắc lại câu chuyện “nhóm lợi ích” do một vài ông chủ lớn dùng tiền hoặc thông qua quan hệ với một số quan chức nhà nước biến chất để trục lợi bằng những dự án đầu tư lớn có lợi cho doanh nghiệp, nhưng gây thất thu cho ngân sách nhà nước, xâm phạm lợi ích cộng đồng.

Xây dựng các tập đoàn kinh tế quốc doanh, tư nhân hoặc hỗn hợp hùng mạnh là vấn đề mang tính thời sự của Việt Nam, cần được Chính phủ khuyến khích bằng hành lang luật pháp và các ưu đãi thỏa đáng. Về phía các tập đoàn, cũng cần theo đuổi chiến lược kinh doanh vừa hướng đến thị trường trong nước vừa hướng ra thị trường khu vực và thế giới; lành mạnh hóa quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với ngân hàng, cũng như sự tham gia của doanh nghiệp vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Tin bài liên quan