Trên thực tế, chủ trương trên đã được Thành phố theo đuổi từ 15 năm trước và rất được Trung ương ủng hộ vào thời điểm đó. Nếu mọi thứ như kỳ vọng, ắt hẳn đến thời điểm sáng ngày 17/7 đáng nhớ ấy, Thành phố đã phải tổng kết 15 năm thành quả trung tâm tài chính quốc tế đầy tự hào. Vậy mà, giờ đây, TP.HCM mới khởi động lại từ đầu cho một ước mơ. Thật buồn! Dường như trái tim của các vị khách mời tham dự Hội thảo đều chùng xuống vào thời khắc ấy.
Vì sao một chủ trương lớn như thế lại thất bại? Lãnh đạo Thành phố cũng đặt câu hỏi như thế. Các chuyên gia cũng đặt vấn đề tương tự, thậm chí gay gắt hơn nhiều. Thất bại là do Thành phố không đeo bám các bộ, ngành đến cùng để đề án khả thi, hay các bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức, hoặc cả hai?
Ngoài ra, còn vì một lý do nào khác như nhận thức chưa tới hay vì những rủi ro mơ hồ nào đó khó kiểm soát nên không ai dám quyết?
Tới nay, mọi chuyện đã qua. Mọi tiếc nuối không phải là thái độ đúng cho khát vọng hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Khác với 15 năm trước, cách đặt vấn đề của TP.HCM là hướng chủ trương này ở tầm chính sách quốc gia nhiều hơn so với trước đây. “Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM” - tên gọi là vậy, nhưng đó là biểu hiện vị thế của một nước Việt Nam đang lên.
Hiện tại, giả sử cứ cho từng bộ, ngành liên quan chính, chẳng hạn như Ngân hàngNhà nước, Bộ Tài chính hay Bộ Tư pháp trả lời câu hỏi “Liệu có khả thi khi xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM?” thì chắc chắn, với tất cả những lý lẽ hợp lý, phải đợi đến khi nào đồng tiền Việt Nam chuyển đổi được, dòng vốn phải được di chuyển tự do, tình hình nợ công phải cải thiện nhiều hơn nữa, hoặc hệ thống luật lệ phải đồng bộ… lúc đó mới có thể thực hiện được.
Và chắc chắn, lý lẽ đưa ra cũng không khác những gì mà các bộ, ngành đã đặt ra tại buổi hội thảo về trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM 15 năm trước. Nói một cách công bằng, những luận cứ của các bộ, ngành cũng có lý lẽ riêng, rất đáng để chia sẻ.
15 năm đã qua. Chẳng lẽ chúng ta cũng lại đặt câu hỏi giống như thế cho một vấn đề chưa bao giờ nhận được sự đồng thuận, thuộc tầm quyết sách quốc gia. Nếu vậy, sau 15 - 20 năm nữa thì sao? Liệu có tốt hơn không cho một cách tiếp cận đã thất bại trong quá khứ?
Đó là chưa nói tới trường hợp, tại sao có quốc gia mọi thứ đều giống Việt Nam, thậm chí còn yếu kém hơn, như đồng tiền không chuyển đổi được, tài khoản vốn vẫn còn bị kiểm soát, nhưng năm rồi, Kazakhstan đã dám khai trương Trung tâm Tài chính quốc tế Astana?
Trong Báo cáo Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu GFCI năm 2019, số lần được nhắc đến của Trung tâm Tài chính quốc tế Astana khá ấn tượng: 20 lần trong 24 tháng, trong khi London cũng chỉ có 22 lần. Tuy hãy còn quá sớm để nói về thành công của họ, nhưng chắc chắn, Kazakhstan đang đi đúng hướng. Đó là tạo ra một trung tâm tài chính quốc tế với các chuẩn mực đạt đẳng cấp quốc tế ở mức cao nhất.
Như vậy, một câu hỏi đúng nên được đặt ra lúc này là liệu có khả thi khi hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam?
Nói về tầm nhìn đến 2045, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến thời điểm đó, Việt Nam phải trở thành một quốc gia phát triển. Liệu trên thế giới này, có quốc gia phát triển nào mà lại không có ít nhất một trung tâm tài chính quốc tế?
Một nền kinh tế thực được liệt vào hạng “quốc gia phát triển” đều phải có một hệ thống tài chính phát triển và ít nhất là một trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế tương ứng. Có lẽ, Việt Nam không phải là ngoại lệ duy nhất đáng để thông cảm vì những đặc thù riêng?