Nỗi cô đơn…
Tôi ấn tượng với câu nói của ông Vũ Tiến Lộc khi còn là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) trong một sự kiện nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Đại ý, ông Lộc bảo: Chỉ khi nào đất nước trọng doanh nhân, doanh nghiệp, chúng ta mới vươn mình thành một đất nước hùng cường được.
Mỗi người sẽ có góc nhìn, quan điểm khác nhau, nhưng tôi thích lối nghĩ ấy.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhiều lần nhấn mạnh, muốn tiến ra thế giới, Việt Nam phải có một lực lượng doanh nhân mạnh, có những “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt, tạo nên sức mạnh cạnh tranh của quốc gia. Các doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế là những người tự tin, có trình độ quản trị, kiến thức chuyên môn, năng động, sáng tạo, khát vọng đưa doanh nghiệp và đất nước phát triển ngang tầm với các quốc gia thuộc tốp đầu trong khu vực và thế giới, trở thành đối tác thương mại, kinh tế quan trọng của nhiều cường quốc.
Không hề quá khi nói rằng, doanh nhân đang là lực lượng chính đóng góp cho sự phát triển kinh tế, sự vươn mình của đất nước. Việc xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú đô la và các tập đoàn tư nhân lớn đã minh chứng điều đó.
Doanh nhân là lực lượng quan trọng tạo ra của cải vật chất, công ăn việc làm và đóng góp cho nền kinh tế, nhưng nhiều khi bị đón nhận những ánh nhìn thiếu thiện cảm.
Tôi còn nhớ, năm 2016, trong cuộc trò chuyện cùng cán bộ quản lý của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), người đứng đầu Vingroup chia sẻ: “Trong mắt của nhiều người, chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân rất lớn, phát triển rất nhanh, nhưng người ta đâu có biết, đó là công sức, nỗ lực, trí tuệ vô cùng lớn của cả một hệ thống. Có lúc, chúng tôi đi vay đến 70.000 tỷ đồng, trả lãi 20%/năm, có vậy mới đạt được kết quả đưa doanh nghiệp lớn mạnh”.
Rồi ông nói thêm: “Chúng tôi phải đối mặt với nhiều nỗi sợ, nhiều khó khăn khó có thể kể hết được. Đang đi ngoài đường, hòn đá rơi bộp một cái cũng chết. Đột nhiên có ai đó khó ở cũng chết…, những nỗi sợ hãi vô hình là thường xuyên”.
Trong bài thơ “Tự sự doanh nhân”, ông Hồ Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty Phú Thành trải lòng: “Và đằng sau những thành công được ngợi ca/Là những phút giây vô cùng đơn độc/Cảm giác lo âu cứ dâng lên bỗng chốc/Những nỗi buồn chẳng chia sẻ cùng ai…”.
Tâm sự của ông Hải có lẽ cũng là nỗi lòng của nhiều người mang trong mình nghiệp doanh nhân, với ít nhiều uỷ khuất.
… và nỗi sợ
Ngày Xuân nói chuyện pháp đình, tố tụng, nhiều người sẽ kiêng, nhưng ngẫm lại, chỉ những lúc trà dư, tửu hậu thế này, có khi ta mới đủ tĩnh tại để nhìn lại những việc đã qua.
Hôm rồi, tôi có dịp ngồi trà đàm cùng mấy ông chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực địa ốc. Câu chuyện đang vui tự nhiên chùng xuống khi nhắc đến việc đây đó có những người bạn, người anh của những người ngồi đây vướng vòng lao lý.
Một ông nói: “Bản năng của chúng mình là tìm kiếm cơ hội để phát triển dự án, phát triển doanh nghiệp. Không ít lần, khi đi tỉnh, doanh nghiệp được cán bộ công quyền hướng dẫn và làm theo, nhưng hễ có thiếu sót gì thì người đầu tiên giơ đầu chịu báng cũng là doanh nghiệp”.
Đằng sau các doanh nhân không chỉ là tiền bạc, mà còn có biết bao số phận con người và những nỗi lòng không dễ sẻ chia.
Một chủ doanh nghiệp khác kể: “Có dự án, mình đã xin xong chủ trương, lập dự án, thoả thuận, đền bù được phần lớn thì tự dưng bị đình lại. Và để ‘rửa mặt’ cho địa phương, doanh nghiệp phải làm đơn xin trả lại dự án. Nhưng vấn đề ở chỗ, cả nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng, đền bù chẳng biết bao giờ mới lấy lại được hết”.
Trong một sự kiện do Báo Đầu tư tổ chức năm qua, khi nói về việc chuyển nhượng các dự án qua hình thức M&A, luật sư Nguyễn Hải Thảo, Công ty Mayer Brown (Viet Nam) cho biết, bình thường, việc chuyển nhượng các dự án vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, khi có vụ việc xảy ra, các cơ quan quản lý vào cuộc thì lại rất rắc rối.
Theo luật sư Thảo, việc các cơ quan quản lý có cách nhìn, cách diễn giải luật khác nhau khiến tâm lý e ngại bao trùm, dự án không được chuyển nhượng, các bên không dám làm gì. Luật đã có đủ, nhưng ai là người diễn giải pháp luật mới là vấn đề. Ví dụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư diễn giải thì cho phép chuyển nhượng cổ phần, nhưng khi cơ quan công an vào điều tra vụ việc, họ sẽ diễn giải luật khác và cho rằng, đó là hành vi che đậy việc chuyển nhượng dự án. Câu hỏi ở đây là ai sẽ đứng ra phân xử, cơ quan điều tra đúng hay Sở Kế hoạch và Đầu tư đúng?
“Khi làm việc với cơ quan điều tra, họ chỉ nhìn vào bản chất sự việc (là chuyển nhượng dự án, chứ không phải chuyển nhượng cổ phần), nhưng tại những trường hợp như vậy làm rúng động giới doanh nghiệp, luật sư. Lâu nay, việc chuyển nhượng cổ phần như vậy diễn ra bình thường, vậy mà có những trường hợp bị điều tra làm thiệt hại cho cả hai bên mua và bên bán. Những người hành nghề luật sư như chúng tôi hiện cũng phải điều chỉnh lại cách tư vấn. Trước đây tư vấn theo pháp luật, nhưng hiện nay còn phải quan sát thêm thái độ của cơ quan quản lý với vấn đề cụ thể này. Luật không thay đổi, nhưng thái độ của cơ quan quản lý có thay đổi thì chúng tôi cũng phải nhìn theo để tư vấn cho khách hàng”, luật sư Thảo chia sẻ.
Doanh nghiệp, doanh nhân là những người nhạy bén với các cơ hội kinh doanh, nhưng với câu chuyện M&A dự án, nhiều người cho rằng, không làm thì tắc, không phát triển được, nhưng làm thì luôn phải xác định đó là hành động “đi trên dây”, ranh giới rất mong manh. Đây cũng là lý do khiến một đại diện doanh nghiệp than thở: “Bước chân vào thương trường, dù muốn làm tốt nhất nhưng nhiều khi ‘thân bất do kỷ’ (làm những việc không theo ý muốn, phải theo sự sắp đặt, ý muốn của người khác)”.
Có những câu chuyện đời thường nhưng bất thường được truyền tai nhau và tôi tin đó không phải là hư cấu. Chẳng hạn, có vị doanh nhân nọ mải mê công việc nên bữa sáng cùng bữa trưa của ông thường là một gói xôi nhờ tài xế mua vội lúc đi làm. Hay có ông chủ công ty vốn nhiều nghìn tỷ đồng mà vẫn quen ăn đậu phụ. Cả những người “lên ngựa, xuống xe”, làm dự án nghìn tỷ khắp nước, nhưng nhỡ bữa vẫn chỉ biết pha cho mình gói mì “không người lái”…
Tôi tin, đó chẳng phải “làm màu”. Đời “phu chữ” như tụi tôi, thời gian xông xênh mà lắm khi còn nhịn bữa, nói gì những doanh nhân gánh trên vai cả nghìn cuộc sống.
Xin mượn mấy vần thơ trong bài “Đời doanh nhân mồ hôi hoà nước mắt” của tác giả Bùi Hoàng Tám thay cho lời kết bài viết, đồng thời chúc cho các doanh nhân một năm bình an, hanh thông và luôn giữ được bầu nhiệt huyết.
“Nhưng tôi biết doanh nhân như người lính/Đã lên yên là chỉ tiến, không lùi/Bởi đằng sau các anh không chỉ là tiền bạc/Mà còn có biết bao số phận những con người…”.