Nhiều cuộc IPO, thoái vốn chờ tín hiệu thị trường
Vietnam Access Day là sự kiện thường niên và uy tín do Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tổ chức nhằm kết nối các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Ðược biết, các nhà đầu tư tham dự sự kiện chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài.
Theo các chuyên gia tại Hội nghị, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2019 nhờ kinh tế vĩ mô ổn định và xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Nhà đầu tư cũng đánh giá cao các hiệp định thương mại song phương lẫn đa phương mà Việt Nam ký kết trong những năm gần đây. Nhiều cổ phiếu Việt Nam được định giá hấp dẫn hơn những thị trường khác trong khu vực.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Ðại học Fulbright Việt Nam cho rằng, năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển tốt dù còn nhiều ẩn số từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn năm 2018 nhưng vẫn sẽ duy trì được mức cao là 6,8-6,9%, lạm phát dưới 4%. Ðiểm tích cực nhất trong năm 2018 là tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được ở mức cao, cho thấy nguồn vốn vay đã hiệu quả hơn và việc tăng trưởng GDP không nhất thiết phải phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng.
Theo đó, cho năm 2019, ông Thành cho rằng, tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ ở mức khoảng 13-14% vì ưu tiên ổn định tài chính. Ðồng thời, ông Thành cũng có góc nhìn lạc quan về biến động tỷ giá trong năm 2019, đồng Việt Nam sẽ bị mất giá rất ít.
Bước sang năm 2019, số lượng các thương vụ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng/cổ phần hóa (IPO/CPH) mà VCSC thực hiện tư vấn sẽ tương đương với số lượng thương vụ đã thực hiện trong năm 2018. Tuy nhiên, VCSC cho rằng, thị trường chứng khoán năm nay sẽ gặp nhiều thách thức và điều này có thể khiến các cuộc IPO, thoái vốn trì hoãn hơn so với kế hoạch đề ra.
Hiện VCSC đang tư vấn cho vài thương vụ IPO/CPH, tuy nhiên, nếu điều kiện thị trường khả quan (VN-Index vượt 1.200 điểm vào tháng 6/2019), VCSC sẽ giới thiệu 1 thương vụ IPO của doanh nghiệp tư nhân và từ 1 đến 2 thương vụ cổ phần hóa. Trường hợp thị trường đi ngang, chỉ số VN-Index khoảng 950 - 1.100 điểm, xác suất mà VCSC chào 1 thương vụ IPO và thương vụ cổ phần hóa ra thị trường là 50 - 50. Còn nếu thị trường kém khả quan, VN-Index khoảng 900 điểm, khả năng cao là các thương vụ sẽ bị trì hoãn lại cho đến năm 2020.
Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2019, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài
Trong năm 2019, ngoài các thương vụ IPO/CPH nói trên, VCSC cho biết cũng có các giao dịch thỏa thuận lô lớn trên thị trường và các thương vụ huy động vốn với quy mô vừa và nhỏ. Trong năm 2018, Công ty này đã tư vấn thành công cho Masan bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư.
Giá trị thương vụ lên đến vài trăm triệu USD. VCSC cũng đã tư vấn thành công cho KKR chuyển nhượng thành công cổ phần Masan mà KKR nắm giữ. Ðầu năm nay, VCSC đã thực hiện thành công giao dịch thỏa thuận lô lớn 14 triệu cổ phiếu Masan với giá trị là 50 triệu USD và chào bán thành công 5 triệu cổ phần sơ cấp của Thiên Long cho nhà đầu tư, huy động được gần 20 triệu USD cho doanh nghiệp này.
VCSC tự tin với các thương vụ sẽ tư vấn trong thời gian tới vì các thương vụ này có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khoảng thời gian 3 tháng tới là rất quan trọng để Công ty xem xét thị trường ra sao, nếu tốt thì có thể tiến hành triển khai.
Sự kiện thường niên Vietnam Access Day kết nối nhà đầu tư với các doanh nghiệp lớn.
Nâng hạng thị trường: Cần sự nỗ lực của các bên
Tham dự Hội nghị đầu tư quốc tế Viet Capital Vietnam Access Day, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chia sẻ câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam với các nhà đầu tư.
Qua trao đổi trực tiếp với FTSE Russell, ông Dũng chia sẻ, vấn đề mà Việt Nam cần cải thiện cho việc nâng hạng chủ yếu là tiếp cận thị trường và minh bạch thông tin, cụ thể là thông tin nhà nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận được trực tiếp. Với MSCI, để được nâng hạng thì phản hồi của các nhà đầu tư là quan trọng bên cạnh các báo cáo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu đối với từng thị trường.
Theo đó, ông Dũng cho rằng, để được nâng hạng, bên cạnh nỗ lực của nhà quản lý, cần sự hợp sức của tất cả các thành viên. Thông tin trên thị trường cần mang tính cập nhật nhất cho các nhà đầu tư, cách diễn giải về quy định rõ ràng, có nguồn thông tin hay cơ sở dữ liệu để các nhà đầu tư, các tổ chức tư vấn nước ngoài dễ đang tiếp cận.
“Nhiều nhà đầu tư nhận định rằng, mỗi thị trường đều có sự hấp dẫn đối với khẩu vị của một số loại hình và nhà đầu tư. Ðể có nhiều nhà đầu tư hơn, cả về loại hình lẫn quy mô, thị trường Việt Nam cần minh bạch, có độ sâu và quy mô”, ông Dũng chia sẻ.
Liên quan đến vai trò của nhà quản lý, ông Dũng cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có các giải pháp để nâng hạng thi trường. Nhiều giải pháp đã đưa vào dự thảo Luật Chứng khoán, nhiều giải pháp kỹ thuật hơn sẽ nghiên cứu đưa vào văn bản thực thi Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, quy định pháp lý để áp dụng vào thực tiễn cũng cần có thời gian.
Trên thực tế, hành lang pháp lý của Việt Nam cũng đã có những bước tiến và hoàn thiện hơn, thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật, quy định như Quyết định 77/QÐ-UBCK, Nghị định 60/2015/NÐ-CP, Nghị định 71/2017/NÐ-CP… Trong thời gian tới sẽ là Luật Chứng khoán sửa đổi, Quyết định thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Quyết định ra mắt chỉ số VNX50, áp dụng phương pháp dựng sổ cho cổ phần hóa, cổng thông tin về trần sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết…
Theo một nhà đầu tư Thái Lan chia sẻ, tại Thái Lan hoặc một vài thị trường khác ở châu Á vẫn có quy định về trần tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư ngoại nhưng câu chuyện dòng vốn ra - vào của họ rất minh bạch, các thị trường đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư giao dịch chứng khoán (như ở Thái Lan có NVDR). Nhưng ở Việt Nam vẫn còn khó khăn hơn nhiều.
Ông Dũng khẳng định, Việt Nam vẫn đang tiếp tục thúc đẩy và cam kết về công khai, minh bạch thông tin trên thị trường. Ðiều này được thể hiện rõ qua nhiều văn bản quy định, và lộ trình áp dụng các thông lệ tốt trên thế giới tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Chẳng hạn, các cơ quan quản lý đang nghiên cứu áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại các doanh nghiệp niêm yết nhằm cùng chung ngôn ngữ, tiêu chuẩn với các báo cáo tài chính trên thế giới. Hiện cơ quan quản lý cũng đang lấy ý kiến của các doanh nghiệp niêm yết về lộ trình áp dụng. Cùng với đó sẽ áp dụng phương thức dựng sổ để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin cụ thể, minh bạch hơn trước các cơ hội đầu tư.