Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày trước Quốc hội sáng 8/11

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày trước Quốc hội sáng 8/11

Viện trưởng Viện Kiểm sát đề xuất xây dựng Luật Đạo đức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí kiến nghị xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục nhận thức trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Thu hồi hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ án kinh tế, tham nhũng

Sáng 8/11, báo cáo trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV về công tác của ngành tòa án, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, năm 2022 (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022), các tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỉ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ.

Trong đó, các tòa án đã thụ lý 93.452 vụ án hình sự với 178.830 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 91.312 vụ với 171.924 bị cáo; đạt tỉ lệ 97,71% về số vụ và 96,14% về số bị cáo, vượt 9,71% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội.

Đặc biệt, đã tổ chức xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm.

Trong năm, thông qua xét xử 840 vụ án kinh tế, tham nhũng với 1.995 bị cáo, các toà án đã thu hồi số tiền trên 4.027 tỷ đồng và nhiều tài sản khác.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội sáng 8/11

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội sáng 8/11

Kiến nghị giảm nhẹ tội cho tội phạm kinh tế không vụ lợi để tăng thu ngân sách

Cũng báo cáo trước Quốc hội sáng nay về công tác chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, năm 2022 tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Nổi lên trong lĩnh vực trật tự xã hội là một số vụ án giết người thân, giết nhiều người; tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" xuất hiện những thủ đoạn phạm tội mới có sử dụng công nghệ thông tin gây tác động trên phạm vi rộng.

Tội phạm kinh tế nổi lên các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tài chính, y tế, giáo dục, phòng chống dịch bệnh...

Theo ông Lê Minh Trí, trong năm 2022, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 81.756 vụ án hình sự, trong đó đã phát hiện, xử lý hình sự các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất 37,6%; chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư các dự án... Đáng lưu ý, một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí

Báo cáo Quốc hội, ông Lê Minh Trí khẳng định, xác định chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo tập trung kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.

Đồng thời, phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát. Bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Theo ông Trí, hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi (cụ thể Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) nên trong chính sách hình sự cần phân định, có chính sách xử lý phân hóa sẽ hiệu quả, thuyết phục.

Đáng lưu ý, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Nhiều hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng đã kéo dài nhiều năm

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước.

Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Bà Nga nói rằng, nguyên nhân do việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; công tác kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa tham nhũng chưa cao.

Đặc biệt, bà Nga nhấn mạnh, nhiều hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng đã kéo dài nhiều năm do những nguyên nhân khác nhau, trong đó nhiều hạn chế có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện pháp luật, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Cụ thể là, tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động và trách nhiệm giải trình; vẫn còn để xảy ra nhiều vi phạm trong việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Tình trạng vi phạm việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử gia tăng; tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn chưa phát huy hiệu quả rõ nét; nhiều địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch và chuyển đổi vị trí công tác theo quy định...

"Từ đầu năm 2022 đến nay đã có 19 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người)".

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng.

Trên cơ sở đó, xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Cùng với đó, bà Nga đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật;

Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...;

Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng...

Tin bài liên quan