Ngân hàng chỉ được làm những gì luật cho phép
Trước hết, theo Viện Kiểm sát, việc ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền là trái quy định Luật tổ chức tín dụng 1997.
Theo quy định tại Luật và điều lệ ACB thì ngân hàng được quyền ủy thác trong các lĩnh vực liên quan hoạt động ngân hàng. Vậy gửi tiền có phải là lĩnh vực liên quan hoạt động ngân hàng? Ý kiến luật sư và bị cáo vận dụng Điều 45 Luật tổ chức tín dụng 1997 để xác định gửi tiền là lĩnh vực liên quan hoạt động ngân hàng.
Viện Kiểm sát cho rằng quy định của Luật về hoạt động ngân hàng và các lĩnh vực liên quan hoạt động ngân hàng thì không có hoạt động gửi tiền. Lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng là nhận tiền gửi chứ không phải đi gửi tiền. Cho rằng gửi tiền là lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng thì hoàn toàn sai lầm.
“Ngân hàng mang tiền huy động đi gửi lòng vòng ngân hàng khác để kiếm lời hoàn toàn không giúp gì cho việc thực hiện chức năng của ngân hàng dó là thu hút tiền gửi dân cư và đưa vào hoạt động của nền kinh tế. Chủ trương này hoàn toàn trái luật” – đại diện Viện Kiểm sát nói.
Thứ hai, Viện Kiểm sát khẳng định việc thực hiện hành vi ủy thác cho nhân viên là trái với quy định Luật tổ chức tín dụng 2010. Điều 90 Luật này thể hiện các ngân hàng không được thực hiện hoạt động kinh doanh nào khác ngoài hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác ghi trong giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp.
“Hiểu rộng hơn, trong hoạt động của các tổ chức tín dụng không áp dụng nguyên tắc được làm những gì luật không cấm. Điều 90 thể hiện các tổ chức tín dụng chỉ được làm những gì luật pháp cho phép”, đại diện Viện Kiểm sát nói.
Qua rà soát giấy phép kinh doanh của Ngân hàng ACB và xem xét các điều Luật tổ chức tín dụng 2010 thì không có quy định cho phép được ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền.
Về hậu quả do hành vi ủy thác gửi tiền,Viện kiểm sát cho rằng thiệt hại đã được xác định rõ, đến nay vẫn chưa thu hồi được và ACB cũng không có quyền khởi kiện đòi Vietinbank (do đã ủy thác cho nhân viên)
Về ý kiến một số luật sư và bị cáo Kiên cho rằng chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền không gây thiệt hại mà làm lợi hơn 1.000 tỷ đồng. Việc ủy thác là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước vi phạm quy định về trần lãi suất. Cơ quan điều tra đã có quyết định tách vụ án hình sự ngày 1/8/2013 đối với hồ sơ về hành vi gửi tiền vượt trần của các ngân hàng để tiếp tục điều tra xử lý nên không có căn cứ để xác định ACB có lãi từ chủ trương này.
“ACB lựa chọn việc ủy thác gửi tiền không phải là không còn lựa chọn nào khác bởi vì trong ngân hàng có ý kiến đề nghị giảm lãi suất nhưng các bị cáo không lựa chọn”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.
Trước ý kiến của bị cáo Kiên cho rằng bị cáo chỉ là thành viên Hội đồng sáng lập, chỉ có chức năng tư vấn, không tham gia quyết định, Viện kiểm sát trích nhiều lời khai của các bị cáo khác cũng như nhân viên ACB thể hiện bị cáo Kiên có sự chi phối tới quyết định của HĐQT ACB.
Bản thân bị cáo Kiên thừa nhận có phát biểu tại các cuộc họp HĐQT của ACB: “Ý kiến của tôi chỉ là tư vấn có nghe hay không là quyền các anh nhưng tôi có quyền tại ĐHCĐ không bầu các anh vào HĐQT".
Tòa cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái là có cơ sở, đúng pháp luật.
ACBS mua cổ phiếu ngân hàng mẹ thông qua hai công ty của "bầu "Kiên
Về việc ban hành và thực hiện chủ trương đầu tư cổ phiếu trong đó có cổ phiếu ACB, quá trình điều tra vụ án và tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận có tham gia cuộc họp giao ban Thường trực HĐQT ngày 2/11/2009.
Tại cuộc họp này có bàn bạc việc mua cổ phiếu ACB để bảo vệ lợi ích cho cổ đông và những người tham gia cuộc họp đều ủng hộ, thống nhất giao cho Kiên mua cổ phiếu ACB thông qua Công ty ACI và Công ty ACI – HN.
Các bị cáo Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ khai rõ trong thông báo không nêu mua cổ phiếu ACB là do bí mật kinh doanh.
Quá trình điều tra vụ án ông Nguyễn Văn Hòa, Kế toán trưởng ACB khai từ cuối 2009, Thường trực HĐQT ACB đã chỉ đạo Công ty chứng khoán ACBS mua cổ phiếu ACB dưới tên Công ty ACI và Công ty ACI – HN.
Để có ACBS có tiền, ACB cho KienLongbank và Vietbank vay tiền qua thị trường liên ngân hàng. Sau đó, KienLongbank và Vietbank mua trái phiếu của ACBS.
Khi kiểm toán phát hiện hai công ty này dùng tiền ACBS mua cổ phiếu là trái pháp luật thì ACB lại chuyển tiền cho Vietbank để Vietbank mua trái phiếu của hai công ty rồi hai công ty này trả lại cho ACBS.
Một số nhân viên phòng kinh doanh vốn có lời khai giao dịch vốn với KienLongbank, Vietbank là do chỉ đạo của lãnh đạo không phải do nhân viên phòng vốn tìm kiếm khách hàng. Mục đích là để 2 ngân hàng này mua trái phiếu ACBS.
Tổng giám đốc của Vietbank khai khi ACB đề nghị thì Vietbank thấy không phải lo nguồn vốn lại có lợi nên đồng ý.
Những lời khai khác trong hồ sơ vụ án cho thấy ACBS mua cổ phiếu ACB bằng tài khoản của 2 công ty nói trên là do Kiên chỉ đạo. Hàng ngày, ACBS sẽ thông báo kết quả giao dịch và chuyển phiếu lệnh sang Công ty ACI để nhân viên chuyển cho ông Hùng là Giám đốc ACI ký chuyển trả cho ACBS.
Theo Viện kiểm sát, có đủ cơ sở để xác định xuất phát từ cuộc họp của Thường trực HĐQT ACb bàn bạc việc mua cổ phiếu ACB và giao cho Kiên chỉ đạo Công ty chứng khoán ACBS thực hiện. Dưới sự chỉ đạo của Kiên, ACBS sử dụng nguồn tiền từ ACB để mua cổ phiếu ACB qua Công ty ACI, Công ty ACI – HN.
“Việc Công ty chứng khoán ACBS mua cổ phiếu của ngân hàng mẹ là vi phạm điều cấm của pháp luật được quy định tại Điều 29 Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về hạn chế mua cổ phần góp vốn của công ty chứng khoán” – đại diện Viện kiểm sát nói.