Đại diện Viện Kiểm sát bác bỏ quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo Đỗ Thị Nhàn liên quan đến việc nhận 5,2 triệu USD.

Đại diện Viện Kiểm sát bác bỏ quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo Đỗ Thị Nhàn liên quan đến việc nhận 5,2 triệu USD.

Viện Kiểm sát đề nghị xem xét thái độ quanh co của bà Nhàn trong việc nhận 5,2 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Viện kiểm sát bác bỏ quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo Đỗ Thị Nhàn về hành vi nhận 5,2 triệu USD vì đủ cơ sở xác định bị cáo không có ý định trả lại.

Ngày 4/3, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM (VKS) đã có phần đối đáp lại các quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo Đỗ Thị Nhàn liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức khác.

Cụ thể, luật sư và bị cáo Nhàn cho rằng, bà Nhàn tiếp nhận và làm theo chỉ đạo của Hưng nên Nhàn không có thủ đoạn tinh vi. Việc gặp gỡ Trương Mỹ Lan không có thoả thuận đưa và nhận tiền nên đề nghị xem xét về tội danh Nhận hối lộ. Đối với nội dung này, VKS giữ nguyên quan điểm trong phiên xét xử ngày 1/4 và không đối đáp lại.

Đối với nội dung bị cáo Nhàn trình bày rằng, Võ Tấn Hoàng Văn chủ động đến đưa tiền cho bị cáo; bị cáo không có ý định nhận tiền và đã đề nghị Văn để trả lại tiền nhiều lần, VKS bác bỏ quan điểm này và cho biết, căn cứ vào lời khai của Võ Tấn Hoàng Văn, lời khai của Nam Tuấn (lái xe cho Võ Tấn Hoàng Văn) có thể xác định, bị cáo Nhàn tiếp nhận việc đưa tiền của Văn, đồng thời, việc đưa tiền đó diễn ra nhiều lần (cụ thể là 4 lần).

Đại diện VKS cho biết, trong suốt quá quá trình thanh tra, bắt đầu từ thời điểm sau khi gặp gỡ Trương Mỹ Lan lần thứ hai vào tháng 3/2018, đến khi ban hành kết luận thanh tra vào tháng 12/2018 (lần cuối nhận tiền sau 10 ngày ban hành KLTT 3959), sau mỗi lần đưa tiền đến nhà Nhàn, Văn đều thông báo ngay cho Nhàn biết là tiền của Trương Mỹ Lan cảm ơn vì đã hỗ trợ SCB. Không có việc bị cáo có ý định trả lại tiền.

Điều này thể hiện ở việc bị cáo đã cung cấp mật khẩu nhà để bị cáo Văn tự động đưa tiền vào nhà, tức là bị cáo ngầm đồng ý nhận tiền từ bị cáo Văn. Nếu bị cáo không có ý định nhận tiền thì đã không cung cấp mật khẩu và kiên quyết trả lại tiền ngay từ lần nhận đầu tiên tại nơi làm việc của bị cáo (trụ sở Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng).

Mặt khác, nếu không đồng ý, ngay từ lần nhận đầu tiên, nếu Văn không nhận lại thì bị cáo có thể cầm số tiền này lên báo cáo cấp trên của bị cáo và tố giác hành vi đưa tiền của bị cáo Văn.

Ở đây, sau khi nhận, bị cáo Nhàn còn chia số tiền ra gửi cất giữ tại nhà người thân, họ hàng, phù hợp với địa điểm CQĐT đã thu giữ. Hành vi trên của bị cáo cũng thể hiện ở một chừng mực nào đó, thủ đoạn tinh vi của bị cáo.

Tại tòa, bị cáo Nhàn cho rằng với vai trò là Trưởng đoàn thanh tra, bị cáo đã thực hiện đúng công vụ và đã báo cáo đầy đủ kết quả thanh tra với người ra quyết định thanh tra.

Đối đáp về nội dung này, đại diện VKS cho rằng bị cáo chỉ khai đúng một phần, không đúng với bản chất của sự việc. Đúng bởi lẽ, Tuấn Anh đã tổng hợp báo cáo của các Tổ tại bảng “Version 1” thể hiện đúng các chỉ số về thực trạng tài chính rất yếu của SCB (âm vốn chủ sở hữu; hệ số CAR âm; …).

Báo cáo đúng thể hiện ở báo cáo tiến độ của Đoàn thanh tra lên người ra quyết định thanh tra và Biên bản làm việc giữa Đoàn thanh tra và SCB. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo lại thống nhất với các kiến nghị của SCB và đề xuất bị cáo Hưng giữ nguyên nợ nhóm 1.

Sau đó, tại thanh tra đợt 1, theo chỉ đạo của Hưng, bị cáo đã chỉ đạo Tổ tổng hợp bỏ ngoài số liệu nợ xấu, cũng như thoái lãi dự thu, không phải trích lập dự phòng rủi ro đối với 3 dự án (Mũi đèn đỏ, 6A, Royal garden) và các khoản “repo” cổ phiếu trả chậm để đưa vào báo cáo kết quả thanh tra ngày 11/1/2018. Điều này đã làm nhẹ đi các sai phạm tại SCB và tự ý giữ nguyên nợ nhóm 1. Nội dung chỉnh sửa này cũng được Nhàn chỉ đạo Tổ tổng hợp đưa vào các dự thảo báo cáo NHNN và Chính phủ.

Đối với nội dung bào chữa việc thay đổi kế hoạch thanh tra đợt 2 từ Kế hoạch 92 sang Kế hoạch 99 không phải do bị cáo Nhàn chủ động yêu cầu, mà do đề xuất của Tổ thanh tra số 3 do Lê Thanh Hà là Tổ trưởng, đại diện VKS đối đáp rằng, tài liệu điều tra có căn cứ xác định bị cáo Nhàn là người chủ động báo cáo Nguyễn Văn Hưng thay đổi kế hoạch thanh tra. Sau khi được Hưng đồng ý qua điện thoại, bị cáo về họp Đoàn thanh tra, thống nhất thay đổi kế hoạch.

Việc Tổ 3 có kiến nghị Chính phủ về sai phạm của nhóm 71 khách hàng là nguyên nhân dẫn đến việc gia hạn thời hạn thanh tra (đợt 2). Không có tài liệu nào thể hiện việc thu hẹp phạm vi thanh tra là do đề xuất của Tổ 3. Chỉ duy nhất lời khai của bị cáo tại phiên tòa ngày 2/4 nên không được xem là chứng cứ và không có căn cứ để xem xét.

Trước thái độ quanh co của bị cáo Nhàn, đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét tình tiết thái độ không thành khẩn của bị cáo. Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng đề nghị áp dụng hình phạt mới, giảm nhẹ hơn bản luận tội đã công bố ngày 19/3 đối với 22 bị cáo ăn năn hối cải, nộp tiền khắc phục.

Trong đó có bị cáo Nguyễn Văn Hưng giảm mức án đề nghị từ 6-7 năm tù xuống còn 5-6 năm tù; Chu Lập Cơ, giảm từ 11-12 năm tù xuống còn 10-11 năm tù; Trương Huệ Vân, giảm từ 19-20 năm xuống còn 17-18 năm tù; Nguyễn Cao Trí, từ 10-11 năm xuống còn 9-10 năm tù…

Tin bài liên quan