Trong quá trình xét xử, Phạm Hải Bằng khai khoản tiền 11 tỷ đồng chỉ là tiền chi hộ cho nhà thầu. Theo lý giải của bị cáo, theo hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật thì phía nhà thầu JTC có nghĩa vụ phải chịu tất cả chi phí trong quá trình thực hiện đến khi ra sản phẩm. Trong đó có các khoản chi hội họp, ký kết… do nhà thầu là phía nước ngoài nếu chi không tiện bằng Ban quản lý nên nhờ phía Ban quản lý chi hộ và chuyển tiền. Khi chi tiêu thì có theo dõi nhưng chi xong rồi thì không lưu lại nữa vì không phải quản lý những chi tiêu này. Phía nhà thầu Nhật cũng không yêu cầu lưu giữ.
Cũng có lúc bị cáo Phạm Hải Bằng thừa nhận đây là tiền nhà thầu hỗ trợ ngoài hợp đồng cho Ban quản lý nhưng không thừa nhận bản thân đã “gợi ý” nhà thầu hỗ trợ kinh phí mà chỉ đề cập đến các khó khăn của Ban quản lý. Việc chi tiền hỗ trợ là tự nhà thầu tự nguyện hỗ trợ từ nguồn lợi nhuận dự kiến có được khi thực hiện hợp đồng.
Khi HĐXX đặt thêm một loạt câu hỏi: "Vậy tiền nhờ đó có được quyết toán không, có chứng từ quyết toán không? Trong các khoản chi bị cáo kê ra có chi bồi dưỡng cho Ban quản lý dự án trong các ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ mát, mua máy tính, di chuyển văn phòng..., di chuyển văn phòng có phải khoản chi nhà tư vấn phải trả không? Có ai ném tiền, muốn tiêu gì thì tiêu không cần báo lại không? người ta có bị điên không? Có phải người bình thường không?"
Bị cáo Phạm Hải Bằng đã lúng túng, im lặng rồi thừa nhận bị cáo hiểu đó là tiền hỗ trợ.
Chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề với tư cách là Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, bị cáo có biết quy chế của Bộ Kế hoạch Đầu tư về sử dụng tiền đầu tư cho xây dựng cơ bản; về quy định nhận quà biếu mà các bị cáo vẫn nhận tiền là đã thực hiện hành vi trái với công vụ?
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng khi giữ cương vị Phó Giám đốc Ban quản lý và Chủ nhiệm dự án tuyến số 01, khi thương thảo hợp đồng Phạm Hải Bằng đã trao đổi trực tiếp với đại diện nhà thầu gợi ý nêu ra thực trạng khó khăn của Ban Quản lý trong việc triển khai dự án. Bằng đã hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu khi thực hiện dự án như được ký hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng nếu được hỗ trợ.
Sau nhiều lần trao đổi, nhà thầu JTC chấp thuận yêu cầu của Bằng và đồng ý chi phí hỗ trợ.
Viện Kiểm sát cho rằng các bị cáo lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện trái công vụ được giao, giá trị thanh toán cho nhà thầu không phù hợp với khối lượng sản phẩm thực tế, Ban quản lý chưa kiểm tra chặt chẽ số lượng, tiến độ sản phẩm, chưa đầy đủ tài liệu chứng từ đã giải ngân, thanh toán chi phí không đảm bảo quy trình.
Hành vi của các bị cáo đã vi phạm các quy định tại Pháp lệnh cán bộ, công chức, Pháp lệnh phòng chống tham nhũng, Luật tiết kiệm chống lãng phí, Luật cán bộ, công chức… Theo đó, cán bộ, công chức phải nghiêm chỉnh chấp hành quy chế của đơn vị không được lạm dụng chức vụ. Các bị cáo vi phạm Khoản 2 Điều 40 Luật Phòng chống tham nhũng quy định cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Các bị cáo còn vi phạm mục 2 trong quy tắc đạo đức và ứng xử trong đấu thầu liên quan đến ODA Nhật Bản. Theo đó, không đưa, nhận hoặc đòi hỏi những thứ có giá trị hoặc những hình thức đãi ngộ của cá nhân và tổ chức có liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng.
Đại diện Viện kiểm sát nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tiến độ dự án, đến nay chưa xác định được thiệt hại cụ thể… Hành vi này còn xâm phạm lợi ích quốc gia trong việc vay và sử dụng vốn ODA làm xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, ảnh hưởng phát triển kinh tế.
Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị mức án 11 – 13 năm tù giám đối với Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái mức án 10 – 12 năm tù giam, Phạm Quang Duy mức án 8 – 10 năm tù giam, Trần Văn Đông, Nguyễn Văn Hiếu mức án 7 – 9 năm tù giam, Trần Văn Lục mức án 6 – 8 năm tù giam.
Ngày mai 27/10, phiên tòa sẽ tiếp tục.