Đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông - Bộ TT&TT), Hồ Tuấn (cựu Phó tổng giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (cựu Thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó tổng giám đốc MobiFone) và Hoàng Duy Quang (thẩm định viên Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thẩm định AMAX).
Đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), giảm cho bị cáo từ 1-2 năm tù ở tội Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng ;giữ nguyên hình phạt với tội Nhận hối lộ.
Đề nghị chấp nhận một phần hình phạt của bị cáo Nguyễn Bảo Long (cựu Phó tổng giám đốc MobiFone), giảm 6 tháng tù cho bị cáo.
Đề nghị giữ nguyên mức hình phạt 2 năm tù mà tòa án cấp sơ thẩm đã dành cho bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên (cựu Tổng giám đốc MobilFone), nhưng chuyển thành án tù treo.
Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Nguyễn Bắc Son với tư cách Bộ trưởng Bộ TT&TT, người trực tiếp chỉ đạo dự án, định hướng cho MobiFone mua AVG, đồng ý phê duyệt việc mua 95% cổ phần của AVG với giá hơn 8.000 tỷ đồng, dự án phải được triển khai ngay trong năm 2015...
Bị cáo Nguyễn Bắc Son còn chỉ đạo việc ký các thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần khi chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khi Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến, gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng của Nhà nước.
Quá trình thực hiện dự án, ông Nguyễn Bắc Son nhiều lần trao đổi với Phạm Nhật Vũ để dự án nhanh chóng hoàn thành, sau đó nhận hối lộ hơn 60 tỷ đồng.
Đại diện VKS cho rằng, vai trò của bị cáo Nguyễn Bắc Son là quan trọng nhất trong vụ án. Hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, gây thiệt hại tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của MobiFone. Do đó, tòa sơ thẩm tuyên bị cáo mức án 16 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng và Chung thân cho tội Nhận hối lộ là phù hợp.
Các bị cáo tại tòa
Còn đối với bị cáo Lê Nam Trà là người trực tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Son trong việc đầu tư dự án. Bị cáo nhận thức rõ việc thực hiện dự án phải tuân theo quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư, nhưng đã chỉ đạo việc mua 95% cổ phần AVG sai quy định.
Việc tòa sơ thẩm tuyên mức án 7 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng, so với các bị cáo khác là có phần nghiêm khắc.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần án cho bị cáo Trà ở tội này.
Với bị cáo Hồ Tuấn là người biết tình hình tài chính của AVG khó khăn, nhưng vẫn đồng thuận trong việc phê duyệt dự án. Bị cáo tham gia các cuộc họp, thống nhất giá mua AVG là hơn 8.000 tỷ đồng. Bị cáo còn ký khống biên ban họp Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc. Cấp sơ thẩm xác định hành vi phạm tội của bị cáo cao hơn các bị cáo khác. Xét vai trò của bị cáo Tuấn thì mức án mà tòa sơ thẩm dành cho bị cáo là không nặng nên không có căn cứ xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo.
Với bị cáo Nguyễn Bảo Long, VKS cho rằng, hành vi của bị cáo có phần hạn chế hơn so với hai Phó tổng giám đốc còn lại. Bị cáo có nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh nguy hiểm, gia đình có công với cách mạng nên có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo.
Đại diện VKS cho rằng, cần xem xét hành vi phạm tội của bị cáo Nguyên là thấp hơn và khác biệt so với các bị cáo khác, bị cáo có nhiều bằng khen nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Tranh luận tại tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Sơn đề nghị tòa phúc thẩm xem xét áp dụng triệt để các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, bản thân bị cáo Trà chịu sự tác động trực tiếp, liên quan đến chỉ đạo đưa giao dịch MobiFone mua AVG vào danh mục bí mật nhà nước. Điều này là thực tế, bị cáo Trà đã trả lời rất rõ tại tòa. Bị cáo buộc phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Chính vì nhận thức đó, vì yếu tố tác động này, giao dịch này không còn là giao dịch dân sự thông thường mà còn được coi là nhiệm vụ chính trị mà bị cáo phải chấp hành.