Với dư địa khai thác lớn, thị trường bảo hiểm Việt Nam cần thiết phải có một cơ sở dữ liệu chung

Với dư địa khai thác lớn, thị trường bảo hiểm Việt Nam cần thiết phải có một cơ sở dữ liệu chung

“Viên gạch” đầu tiên xây kho dữ liệu chung bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều ngóng đợi, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bảo hiểm đã được đặt “viên gạch” đầu tiên khi chính thức được luật hóa tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.

Tầm quan trọng của kho dữ liệu chung bảo hiểm

Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã bổ sung quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm (Điều 11). Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư chi phí và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống này nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã bổ sung quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm (Điều 11). Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư chi phí và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống này.

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và thông tin khác có liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Như vậy, ngoài trở thành công cụ thống kê và dự báo thị trường bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro và phòng chống gian lận bảo hiểm, kho dữ liệu này còn hỗ trợ công ty bảo hiểm xây dựng mức phí sàn, thẩm định phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, thẩm định các yếu tố trong công thức tính toán vốn trên cơ sở rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm trong phòng chống gian lận bảo hiểm; chuẩn hóa công tác thiết kế sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro, tăng cường tính minh bạch và chủ động của các bên tham gia thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên cạnh đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tham gia và cung cấp thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài chính trên cơ sở dữ liệu chung này.

Theo Bộ Tài chính, trước đây, do thiếu quy định về dữ liệu thống kê chung và chính thống nên công tác tính phí bảo hiểm, quản lý rủi ro, phòng chống trục lợi... của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam hầu hết đều dựa trên số liệu thống kê riêng lẻ của từng doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy là doanh nghiệp bảo hiểm tính phí bảo hiểm phi kỹ thuật, không tương xứng với quyền lợi bảo hiểm để cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

“Riêng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, mặc dù đã có phần mềm thu thập cơ sở dữ liệu chung của các doanh nghiệp bảo hiểm nhưng tính cập nhật chưa cao, còn thiếu nhiều trường dữ liệu quan trọng (trước đây, hệ thống này do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam quản lý, khai thác, nay chuyển về cho Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính).

Thị trường bảo hiểm Việt Nam chưa xây dựng được kho cơ sở dữ liệu thống kê chung, có mức độ tin cậy cao, có khả năng lưu giữ được số liệu lịch sử, cập nhật kịp thời, toàn diện số liệu của các ngành kinh tế - xã hội, mặt khác cũng chưa có quy định và chế tài rõ ràng trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến khách hàng cho cơ quan quản lý, nên các doanh nghiệp bảo hiểm không có cơ sở, định hướng trong việc cung cấp thông tin hình thành cơ sở dữ liệu chung của thị trường. Do đó, chưa có mặt bằng chung để so sánh, đánh giá chất lượng sản phẩm bảo hiểm, phòng chống trục lợi bảo hiểm, công tác quản trị rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như tăng cường công tác hoạch định chính sách”, Bộ Tài chính thông tin.

Trong khi đó, ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngành bảo hiểm đều có trung tâm dữ liệu chung phục vụ công tác quản lý, giám sát thị trường, cũng như các chủ thể tham gia. Ở Việt Nam, với dư địa khai thác lớn, thị trường bảo hiểm cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê chung phục vụ các doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý, giám sát.

Với bên mua bảo hiểm, khi có kho dữ liệu chung thì quyền lợi của đối tượng này sẽ được đảm bảo tốt hơn, bởi đây là cơ sở để tính phí sản phẩm bảo hiểm một cách chính xác nhất, từ đó đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm tương xứng với mức phí đóng, ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tính phí bảo hiểm phi kỹ thuật.

Hiện tại, Bộ Tài chính có trách nhiệm ban hành các quy tắc, điều khoản, biểu phí của các sản phẩm bảo hiểm thuộc các lĩnh vực có ảnh hưởng đến an sinh xã hội (bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ...); phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe…

Tuy nhiên, để giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tăng quyền tự chủ, linh hoạt của doanh nghiệp, hạn chế việc can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính cần có một tổ chức hỗ trợ công tác quản lý, giám sát bảo hiểm thực hiện một phần công việc như định kỳ rà soát và đề xuất mức phí sàn tương ứng với quyền lợi bảo hiểm tối thiểu...

Mặt khác, kinh doanh bảo hiểm là việc chấp nhận rủi ro xảy ra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Vì vậy, đây là ngành nghề kinh doanh dựa trên nguồn cơ sở dữ liệu thống kê của nhiều đối tượng bảo hiểm thuộc các ngành nghề khác nhau. Đối với cơ quan quản lý, tại nhiều quốc gia, hệ thống dữ liệu bảo hiểm (đặc biệt là các thông tin thống kê đã được tập hợp, phân loại theo các tiêu thức sẵn có) là căn cứ có giá trị cao cho công tác hoạch định chính sách vĩ mô, quản lý, giám sát thị trường tài chính nói chung, thị trường bảo hiểm nói riêng.

Do đó, việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm, có mức độ tin cậy cao, có khả năng lưu giữ được số liệu lịch sử, cập nhật kịp thời sẽ góp phần xây kho số liệu của các ngành kinh tế - xã hội. Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Từng đề xuất công ty bảo hiểm đóng góp tài chính để xây kho dữ liệu chung

Báo cáo Quốc hội hồi tháng 6/2022, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đầu tư ngân sách xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm là cần thiết, nhưng cần bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để cùng Nhà nước thực hiện vì cơ sở dữ liệu này cũng phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm và tỷ lệ đóng góp sẽ do Chính phủ quy định.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lúc bấy giờ nhìn nhận, việc Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm là nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, mà không phục vụ trực tiếp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm như quy định tại dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung quy định này vào dự thảo.

Trước đó, trong lần báo cáo tới các bên liên quan vào năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, với các khoản phát sinh chi phí cần thiết để xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê chung phục vụ các doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý, giám sát, có thể sử dụng nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài chính) để trang trải và cho phép tổ chức này được thu phí từ việc sử dụng cơ sở dữ liệu đó, giúp làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo được mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn ngành.

Sau nhiều ngóng đợi, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bảo hiểm đã được đặt “viên gạch” đầu tiên khi chính thức được luật hóa tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.

Tin bài liên quan