Mặc dù vậy, nhìn sang năm mới, sự khởi động của quá trình cắt giảm gói QE và khả năng điều chỉnh của các thị trường cổ phiếu sẽ mang lại cho đồng USD một vị thế tăng giá ổn định.
Trước khi xem xét các kịch bản không chắc chắn hơn và các chuyển động thị trường đối với đồng USD trong năm 2014, cần đánh giá lại những nhân tố đã tác động đến đồng tiền này năm qua và có thể còn ảnh hưởng trong năm mới.
Chỉ số Dow Jones FXCM Dollar Index, một chỉ số đo lường sự biến động của đồng USD so với một nhóm các ngoại tệ mạnh khác, đã tăng mạnh ngay khi bước vào năm 2013 và chưa khi nào tụt về các mức của tháng 1/2013.
Điều này phản ánh một sức mạnh tổng hợp chống lại lợi suất cao (như của các đồng đô la Úc và New Zealand) và nhu cầu trú ẩn (như của đồng yên Nhật). Trong số các đồng tiền thuộc rổ tính chỉ số Dollar Index, Euro là đồng tiền mà USD chịu giảm giá mạnh nhất trong năm 2013, nhưng cũng chỉ ở mức 3,6%.
Sự tăng giá của đồng USD càng đáng chú ý hơn khi xem xét trong bối cảnh chỉ số S&P 500 có tới hơn 40 lần phá kỷ lục trong năm 2013.
Trong lịch sử, mối tương quan giữa chỉ số chứng khoán cơ bản này và đồng USD là nghịch nhau. Mối quan hệ này xuất phát từ vị thế là tài sản an toàn của đồng USD - tăng lên trong những thời kỳ thị trường tài chính suy giảm và giảm đi trong những giai đoạn thị trường thăng hoa. Tuy nhiên, trong hầu hết năm 2013, mối tương quan nghịch nói trên đã không xảy ra, điều chưa từng thấy kể từ năm 2002.
Nhiều người tin rằng, thay đổi này đánh dấu một sự chia tách căn bản đồng USD với quá khứ được độc tôn của nó, một điều không nằm ngoài quy luật tồn tại vĩnh viễn của sự dao động giữa lòng tham và nỗi sợ.
Đồng USD không thể cứ mãi là đồng tiền số 1 của thế giới trong thanh toán và dự trữ và thay đổi nói trên là một bước tiến dài vào tương lai. Trên thực tế, đồng bạc xanh bắt đầu cảm thấy hơi thở của đồng nhân dân tệ ở phía sau. Mặc dù vậy, nếu sự sợ hãi quay trở lại, đồng USD vẫn có thể thấy lại vai trò của mình.
Trong năm qua, bước điều chỉnh sâu nhất của chỉ số S&P 500 là khoảng 7,5%. Nhìn lại xa hơn, từ quý I/2009, thời điểm bắt đầu phục hồi sau Đại khủng hoảng tài chính, chỉ có một lần duy nhất chỉ số S&P 500 điều chỉnh 20%.
Trong khi đó, cùng thời gian này, chỉ số đại diện cho 500 mã chứng khoán hàng đầu sàn New York đã tăng hơn 170%. Kỳ tích này bắt nguồn từ sự trở lại của cổ phiếu, của tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp.
Nhưng điều đó cũng nói nên rằng, S&P 500 đã vượt quá xa giá trị thực của các cổ phiếu được tính toán trong nó. Phần nhiều trong giá trị tăng lên xuất phát từ mức độ kỷ lục của đòn bẩy tài chính và “rủi ro đạo đức” - các nhà đầu tư cảm giác như không có rủi ro với một niềm tin rằng, đã có người khác, ở đây là các ngân hàng trung ương, lo xử lý.
Bởi vậy, trong năm 2014, khả năng điều chỉnh từ 15 - 20% của TTCK Mỹ là khá cao. Bất kỳ động thái xúc tác nào làm suy yếu cảm giác tự mãn và reo rắc nghi ngờ đều có thể phát triển thành một sự kiện rúng động thị trường. Và khi thị trường bị cướp đi cảm giác an toàn, đồng USD sẽ hưởng lợi.
Thiết lập sơ đồ rủi ro là một việc làm vô ích, nhưng có vài mối đe dọa có thể nhận biết trước được. Trong đó, nổi bật nhất là động thái “bẻ lái” chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ này, hôm 18/12/2013, đã quyết định giảm 10 tỷ USD tiền mua trái phiếu mỗi tháng. Ảnh hưởng của động thái này chưa được cảm nhận đầy đủ do thanh khoản yếu của thị trường trong những ngày nghỉ lễ. Bước vào năm mới, các nhà đầu tư sẽ phải đánh giá lại mức độ phơi nhiễm danh mục đầu tư của họ với xu hướng tăng lãi suất và chi phí đòn bẩy lớn hơn.
Bên cạnh đó, khi giảm quy mô chương trình mua trái phiếu, lợi suất của đồng USD cũng sẽ tăng lên và đồng tiền này sẽ có thêm sức mạnh để “chiến đấu” với các đồng tiền lợi suất cao khác, trong đó của AUD và NZD. Đồng bạc xanh cũng có lợi trong cuộc chiến lợi suất với các đồng GBP và EUR khi các ngân hàng trung ương Anh và châu Âu hạ lãi suất cơ bản.