Việc tách rời khỏi chính sách tiền tệ của Fed có thể thúc đẩy cổ phiếu thị trường mới nổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư đang chú ý đến mức tăng của cổ phiếu các thị trường mới nổi và sự hạ nhiệt của các đồng nội tệ trong bối cảnh chưa từng có về sự tách rời của xu hướng lãi suất trên toàn cầu.
Việc tách rời khỏi chính sách tiền tệ của Fed có thể thúc đẩy cổ phiếu thị trường mới nổi

Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ kể từ tháng 3/2022, các quốc gia thị trường mới nổi lớn như Brazil, Chile và Hungary đã bắt đầu các chu kỳ cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế.

Không chỉ châu Mỹ Latinh và các nền kinh tế mới nổi châu Âu đang dần nới lỏng chính sách tiền tệ, Trung Quốc và Việt Nam cũng đã thực hiện cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây.

Lạm phát đang giảm nhanh chóng ở nhiều quốc gia đang phát triển, thúc đẩy ngân hàng trung ương các quốc gia nhanh chóng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, không muốn đợi cho đến khi Fed hoặc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay hoặc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thực hiện xong việc thắt chặt. Nhưng lần này, phạm vi của việc nới lỏng là chưa từng có.

Dominic Bokor-Ingram, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao cho các thị trường mới nổi và cận biên tại Fiera Capital cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều này ở cấp độ toàn cầu. Vì vậy, trong các trường hợp riêng lẻ, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều sự tách rời khỏi Fed, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có thể gộp các thị trường mới nổi và cộng các thị trường phát triển để đi đến kết luận này”.

Theo chiến lược gia Manik Narain của UBS, một phân tích về các trường hợp trong hai thập kỷ qua khi các nhà hoạch định chính sách ở một số nền kinh tế đang phát triển chọn nới lỏng chính sách nhưng Fed thì không cho thấy rằng, trong 6 tháng đầu tiên sau khi bắt đầu chu kỳ nới lỏng của các thị trường mới nổi, cổ phiếu "chứng kiến ​​mức lợi nhuận cao và được đón đầu" - trung bình 7% tính theo đồng nội tệ - khi tăng trưởng xuất khẩu vượt 10% trong một năm so với cùng kỳ.

Sự thay đổi chính sách bắt đầu vào tháng 5, khi Ngân hàng Trung ương Hungary hạ lãi suất qua đêm từ 18% xuống 17%, lần cắt giảm đầu tiên sau 3 năm. Sau đó đã cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa vào tháng 7.

Các ngân hàng trung ương lớn của Mỹ Latinh, vốn đã thực hiện một số biện pháp thắt chặt mạnh mẽ nhất trong hai năm qua, hiện đang giảm mức độ hạn chế của chính sách tiền tệ trong bối cảnh có những dấu hiệu rõ ràng về lạm phát chậm lại.

Vào tháng 7, Chile đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trong khu vực cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản, theo động thái của các ngân hàng trung ương khác là Costa Rica và Uruguay. Ngân hàng Trung ương của Brazil đã theo sau với việc cắt giảm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất xuống 13,25%.

Lạm phát 12 tháng của Brazil đã giảm xuống 3,19% vào giữa tháng 7, thấp hơn mục tiêu 3,25% của ngân hàng trung ương, khiến các nhà kinh tế dự báo sẽ cắt giảm lãi suất sâu hơn.

Paul Greer, giám đốc danh mục đầu tư về nợ và ngoại hối của các thị trường mới nổi tại Fidelity International cho biết: “Lạm phát toàn phần đang giảm xuống ở các quốc gia khác nhau tại các thời điểm khác nhau trong chu kỳ”.

Theo Greer, Colombia và Peru sẽ cắt giảm lãi suất trong hai tháng tới, và Hungary sẽ cắt giảm một lần nữa. Cộng hòa Séc và Ba Lan có thể có động thái tương tự.

Tuy nhiên, một số quốc gia có thể sẽ không cắt giảm cho đến khi "có đèn xanh từ Fed về việc không tăng lãi suất nữa", và Israel, Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia nằm trong danh sách đó.

Fed đã đưa lãi suất lên phạm vi 5,25% - 5,5% trong lần tăng lãi suất gần đây nhất vào tháng 7, và mở ra cơ hội cho một đợt tăng khác vào tháng 9.

Trong bối cảnh triển vọng giảm lạm phát gia tăng trên toàn cầu, Martin Castellano, Trưởng phòng nghiên cứu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho rằng, sự khác biệt giữa hành động chính sách tiền tệ của Mỹ và thị trường mới nổi sẽ chỉ là tạm thời.

“Không nên mất quá nhiều thời gian để mọi người có cùng quan điểm”, ông cho biết.

Tin bài liên quan