Đó là cảnh báo của Steve Cochrane, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Moody Analytics.
Steve Cochrane nói với CNBC “Squawk Box Asia” hôm thứ Ba rằng: “Nó tạo thêm một số rủi ro khiêm tốn đối với vai trò của châu Á đối với sự thay đổi kinh tế toàn cầu".
Các báo cáo về chứng máu đông ở một số người đã được tiêm vắc xin AstraZeneca-Oxford đã khiến một số quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia ở châu Âu tạm thời ngừng sử dụng vắc xin này.
Tại châu Á, Thái Lan đã tạm dừng sử dụng vắc xin AstraZeneca-Oxford trong thời gian ngắn, nhưng đã tiêm chủng trở lại từ ngày 16/3. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã trở thành người đầu tiên trong nước tiêm vắc xin này hôm thứ Ba (16/3).
Trong khi đó, Indonesia cho biết, họ sẽ trì hoãn việc triển khai vắc xin AstraZeneca-Oxford trong khi chờ đợi đánh giá từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
WHO cho biết, không có mối liên hệ nào giữa việc tiêm vắc xin và việc tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và quá trình này vẫn đang điều tra.
Cochrane cho biết, các vấn đề xung quanh vắc xin AstraZeneca-Oxford có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và đó là tin xấu đối với châu Á, vì nhiều nền kinh tế khu vực này phụ thuộc vào hoạt động thương mại.
“Nếu việc triển khai vắc xin bị trì hoãn ở châu Âu, điều này làm kìm hãm nền kinh tế châu Âu và làm chậm tốc độ phục hồi của thương mại toàn cầu”, ông nhận định.
Các quốc gia châu Á đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn virus và điều đó đã giúp nền kinh tế khu vực phục hồi nhanh hơn so với các quốc gia ở châu Âu và Mỹ.
Cochrane cho biết, các đợt phong tỏa mới ở một số khu vực của châu Âu đã không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhưng đã ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ.
“Vì vậy, vấn đề hiện tại không phải là vấn đề lớn và thương mại toàn cầu vẫn có vẻ rất mạnh. Tất nhiên, vắc xin là một rủi ro. Đó là một trong những rủi ro quan trọng, chúng ta vẫn phải chứng kiến vắc xin được tung ra trong năm nay để nền kinh tế toàn cầu đi lên trở lại”, ông nhận định.