Việc hạn chế xuất khẩu than chì của Trung Quốc sẽ đẩy nhanh các kế hoạch về lựa chọn thay thế

Việc hạn chế xuất khẩu than chì của Trung Quốc sẽ đẩy nhanh các kế hoạch về lựa chọn thay thế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà phân tích cho biết, động thái hạn chế xuất khẩu than chì của Trung Quốc sẽ chỉ đẩy nhanh nỗ lực phát triển các nguồn cung và vật liệu thay thế, nhưng điều đó sẽ mất nhiều thời gian.

Trung Quốc - quốc gia sản xuất và xuất khẩu than chì lớn nhất thế giới - sẽ yêu cầu giấy phép xuất khẩu kể từ ngày 1/12 đối với một số sản phẩm than chì, bao gồm cả than chì hình cầu được các nhà sản xuất ô tô sử dụng. Trung Quốc cũng tinh chế hơn 90% than chì trên thế giới thành vật liệu được sử dụng trong hầu hết các cực dương của pin xe điện.

Các giám đốc điều hành ngành cho biết, quyết định của Trung Quốc có thể làm leo thang tranh chấp thương mại trên toàn cầu và thúc đẩy các nước khác ưu tiên nghiên cứu các nguồn và nguyên liệu thay thế.

John DeMaio, Chủ tịch bộ phận than chì của Tập đoàn Graphex cho biết: “Chúng tôi xem động thái của Trung Quốc là chất xúc tác tiềm năng để làm nổi bật tính cấp thiết của việc cải thiện nguồn cung than chì tại Mỹ”.

Graphex có kế hoạch mở một cơ sở chế biến than chì ở Warren, Michigan vào cuối năm 2024 để cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ ít nhất 10.000 tấn kim loại chính mỗi năm. Graphex đặt mục tiêu trở thành một công ty tinh chế ở phương Tây chứ không phải một công ty khai thác.

Tesla cũng là công ty đi đầu trong việc đảm bảo than chì và ký kết các thỏa thuận với Syrah và Magnis Energy Technologies.

Các khoản đầu tư mới ở Mỹ và châu Âu nhằm thách thức sự thống trị của Trung Quốc về than chì với trọng tâm phát triển than chì tổng hợp, nhưng các chuyên gia trong ngành cho biết nỗ lực này sẽ là một cuộc chiến khó khăn.

Benchmark Mineral Intelligence ước tính rằng, than chì tổng hợp có thể chiếm gần 2/3 thị trường cực dương của pin xe điện vào năm 2025. Tuy nhiên, những tập đoàn khổng lồ về vật liệu pin của Trung Quốc như BTR và Shanshan cũng đang đầu tư hàng trăm triệu USD để sản xuất thêm than chì tổng hợp.

Giải pháp silicon?

Một thành phần khác trong sản xuất cực dương của pin xe điện là silicon, cho phép xe điện chạy được quãng đường dài hơn trước khi sạc lại.

Lượng silicon tối đa được thêm vào pin là khoảng 10% vì vật liệu này giãn nở trong quá trình sử dụng và có thể làm hỏng pin. Nhưng các công ty đang nỗ lực để đẩy tỷ trọng đó lên cao hơn.

Công ty khởi nghiệp GDI của Mỹ đang phát triển cực dương 100% silicon cho pin. Giám đốc điều hành GDI Rob Anstey cho biết, công ty của ông đang đàm phán với hầu hết các nhà sản xuất ô tô về công nghệ này.

“Trung Quốc đã đi trước hàng thập kỷ về than chì và đã quá muộn để cố gắng bắt kịp. Chúng ta phải chuyển sang cấp độ tiếp theo về hiệu suất lithium-ion và xe điện… Đây là lúc chúng ta phải thức tỉnh và nói rằng chúng ta cần bắt đầu nghiên cứu thế hệ pin và vật liệu tiếp theo”, ông cho biết.

Các biện pháp hạn chế của Trung Quốc cũng có thể làm giảm xuất khẩu và tăng giá than chì, giống như sau động thái tương tự vào tháng 8 đối với hai kim loại sản xuất chip là gali và germani.

Nhà phân tích Alvin Liu của Canalys cho biết: “Quy định này dự kiến sẽ làm tăng sự khan hiếm than chì, từ đó làm tăng giá thành pin điện, dẫn đến chi phí sản xuất xe điện cao hơn”.

Mặt khác, vì nhiều nhà sản xuất ô tô chọn cách bán lỗ xe điện để thâm nhập thị trường nên chi phí cao hơn sẽ không được hoan nghênh. Với doanh số bán xe điện ngày càng tăng, các nhà sản xuất ô tô đang chạy đua để chốt nguồn cung từ bên ngoài Trung Quốc, nhưng tình trạng thiếu hụt đang ngày càng gia tăng.

BMO Capital Markets dự báo ứng dụng chính của than chì là trong ngành thép, nhưng doanh số bán xe điện sẽ tăng hơn gấp ba lần vào năm 2030 lên 35 triệu chiếc từ năm 2022.

Trung bình mỗi xe điện cần 50 kg đến 100 kg (110 pound đến 220 pound) than chì trong bộ pin làm cực dương, gấp khoảng hai lần lượng lithium.

BMW cho biết sau động thái cấm xuất khẩu than chì của Trung Quốc: “Chúng tôi không mong đợi những tác động ngắn hạn đến tình hình nguồn cung của mình nhưng sẽ theo dõi vấn đề này chặt chẽ. Chúng tôi có thể phản ứng nhanh chóng và linh hoạt trong việc quản lý rủi ro nếu cần thiết”.

Hãng ô tô Volvo Cars và Renault cho biết, còn quá sớm để đưa ra bình luận nhưng họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Tin bài liên quan