Việc gia hạn tổ chức ĐHCĐ thường niên do nhóm cổ đông lớn không thể tham dự có đúng luật

Việc gia hạn tổ chức ĐHCĐ thường niên do nhóm cổ đông lớn không thể tham dự có đúng luật

(ĐTCK) HĐQT trình bày lý do gia hạn thời gian tổ chức ĐHCĐ là một nhóm cổ đông nắm giữ trên 35% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thông báo không thể tham dự cuộc họp vào thời điểm cuối tháng 4/2016 có đúng luật?

Cuối tháng 3/2016, một công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán công bố thông tin về việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên vào cuối tháng 4/2016. Giữa tháng 4/2016, Hội đồng quản trị (HĐQT) gửi công văn cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán về việc gia hạn thời gian tổ chức ĐHCĐ. HĐQT trình bày lý do là một nhóm cổ đông nắm giữ trên 35% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thông báo không thể tham dự cuộc họp vào thời điểm cuối tháng 4/2016. Theo thông báo gia hạn thời gian tổ chức ĐHCĐ, HĐQT sẽ triệu tập họp ĐHCĐ lần 2 và thông báo cổ đông sau khi HĐQT xem xét lại ngày và địa điểm tổ chức đại hội.

Vậy việc gia hạn tổ chức ĐHCĐ thường niên như trên có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Chuyên viên Tư vấn quản trị doanh nghiệp phụ trách EzGSM (Đại hội đồng cổ đông trực tuyến), Công ty cổ phần Chứng khoán FPT:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 136, Luật Doanh nghiệp 2014 - Thẩm quyền triệu tập họp ĐHCĐ:

“ĐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của HĐQT, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn thời gian tổ chức đại hội, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính”.

 Như vậy, trong trường hợp trên, HĐQT đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp khi gửi công văn đề nghị gia hạn việc tổ chức đại hội đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cụ thể là Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trong tình huống trên, việc HĐQT quyết định gia hạn tổ chức ĐHCĐ là hợp lý vì HĐQT đã nhận được thông báo không tham dự được của nhóm cổ đông lớn sở hữu trên 35% số cổ phần. Công ty nên gia hạn để đảm bảo tổ chức thành công đại hội và tiết kiệm chi phí không cần thiết cho công ty và cho cổ đông.

Việc ĐHCĐ được triệu tập lần thứ nhất, hoặc lần thứ hai, thứ ba phụ thuộc vào điều kiện tiến hành họp đại hội. Theo quy định tại Điều 141, Luật Doanh nghiệp - Điều kiện tiến hành họp ĐHCĐ: “Cuộc họp ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”.

Như vậy, trong trường hợp nêu trên, sau khi được gia hạn, vẫn được xem là ĐHCĐ thường niên lần thứ nhất, bởi đại hội chưa được tổ chức tại thời điểm cuối tháng 4/2016 như đã được thông báo nên không thể biết được số lượng cổ đông tham dự có đạt tỷ lệ 51% cổ phần có quyền biểu quyết
hay không.