Dược phẩm tiếp tục được đánh giá là một trong những ngành có triển vọng tăng trưởng cao, nhưng mức độ cạnh tranh đang ngày càng gay gắt. Vidipha có những điểm mạnh nào để có thể vươn lên, gia tăng thị phần, thưa ông?
Giá trị thuốc sử dụng tại Việt Nam thời gian qua tăng với tốc độ cao, dự báo trong thời gian tới, tốc độ này còn cao hơn nữa. Ngành dược Việt Nam được đánh giá là ngành có tiềm năng phát triển cao, với tốc độ tăng trưởng từ 18 - 20% trong vòng 10 năm gần đây. Tuy vậy, mức tiêu dùng thuốc bình quân đầu người Việt rất thấp khi so với mức bình quân của các nước đang phát triển ngành dược mức 3 và một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 109 nhà máy sản xuất thuốc tân dược trong tổng số 159 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP. Mức độ cạnh tranh trên thị trường dược phẩm ngày càng gay gắt đã là thực tế trong quá khứ, hiện tại và vẫn là tất yếu trong tương lai dài. Tại VDP, nhận diện, khai thác các điểm mạnh để vươn lên là một việc làm quan trọng thường xuyên. Các nhà sản xuất và cung cấp phân phối dược phẩm muốn tồn tại phải có điểm mạnh, có nhiều điểm mạnh cũng chưa đủ, mà phải khai thác được điểm mạnh.
Ông Hoàng Văn Hòa, Tổng giám đốc VDP
Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, thương hiệu Vidipha đã được người tiêu dùng tin tưởng, tín nhiệm, với hơn 10 dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, VDP đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng về chủng loại, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Sản phẩm thuốc của Công ty đạt các danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Ngôi sao thuốc Việt”…
Ông đánh giá thế nào về rủi ro biến động giá nguyên liệu tại Vidipha và Công ty làm thế nào để chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh?
Đối với mặt hàng dược phẩm, chi phí nguyên vật liệu thường chiếm khoảng 81% tổng chi phí và 60% doanh thu. Vì vậy, sự biến động của giá cả nguyên vật liệu ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận biên của Công ty, đặc biệt trong tình hình giá bán bị kiểm soát bởi Cục Quản lý dược Việt Nam.
Giá nguyên liệu có xu hướng tăng đã và đang là thực tế, các yếu tố tác động làm tăng giá nguyên liệu ngày càng rõ và đậm nét. Để khắc phục, cách dễ nghĩ đến nhất là tăng giá bán, nhưng phương pháp này trên thực tế lại vô cùng khó vì bị kiểm soát bởi cạnh tranh và quản lý nhà nước.
Phần việc mà Vidipha đang đảm nhiệm chỉ là một phần trong chuỗi giá trị với sự tham gia của rất nhiều thành phần. Đó là tăng tính đồng nhất về lợi ích giữa nhà cung cấp - Vidipha - nhà phân phối và người sử dụng thuốc. Phương pháp này không chỉ khắc phục xu hướng tăng giá nguyên liệu, mà còn là phương pháp cơ bản, cốt lõi trong quản trị và điều hành doanh nghiệp của VDP. Bên cạnh đó, VDP không ngừng nâng cao trình độ công nghệ, bao gồm cả công nghệ nghiên cứu, sản xuất, quản lý và bán hàng một cách cân đối, phù hợp.
Quý I năm nay, lợi nhuận sau thuế của Vidipha bằng gần 38% kế hoạch cả năm. Quý II của Vidipha như thế nào và liệu có thể kỳ vọng Công ty vượt mức kế hoạch năm, thưa ông?
Kết thúc quý II/2017, doanh thu sản xuất VDP đạt 188 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 28,15 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VDP đạt tổng doanh thu 233 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch năm; lợi nhuận 36 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch năm. Kết quả trên là cơ sở để chúng tôi tin tưởng rằng, sẽ thực hiện hoàn thành kế hoạch và phấn đấu vượt mức kế hoạch năm 2017.
Năm 2017, VDP dự kiến doanh thu 467 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ mặt hàng dược phẩm là chủ yếu. Cũng trong năm 2017, VDP dự kiến ghi nhận doanh thu 35 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng Dự án 18 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Xin ông chia sẻ định hướng phát triển của Vidipha trong trung và dài hạn?
Về sản phẩm, VDP sẽ tiếp tục tăng cả về số lượng và tỷ lệ các mặt hàng thuốc có chứa đựng cao hơn đặc trưng riêng về hàm lượng khoa học công nghệ, thương hiệu Vidipha trên cơ sở gia tăng sự phù hợp giữa thuốc do VDP sản xuất với đặc điểm nhân chủng và mô hình bệnh tật của người Việt Nam. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị theo hướng chuyên môn hóa, gia tăng sự phù hợp đến mức độ cao giữa máy móc trang thiết bị với sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu sâu để gia tăng giá trị sử dụng sản phẩm bằng tự nghiên cứu và mở rộng hợp tác nghiên cứu.
Song song đó, VDP sẽ khai thác các nguồn lực, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, trong đó lấy mục tiêu tạo dựng, củng cố nhân lực hài hòa, đầy đủ cả về thái độ, văn hóa, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm.
Theo ông, việc niêm yết có thể hỗ trợ gì cho hoạt động của Vidipha?
Đây là mục tiêu nằm trong chiến lược phát triển chung của Công ty. Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ giúp cơ cấu bộ máy quản trị và điều hành của VDP theo hướng minh bạch và hiệu quả.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Công ty khuếch trương uy tín, tầm ảnh hưởng, mở rộng thị trường, từ đó thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, tìm kiếm đối tác cũng như kiểm chứng giá trị doanh nghiệp rộng rãi hơn, góp phần tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu VDP, chủ động nguồn vốn dài hạn cho đầu tư phát triển.