Vicostone và cuộc chơi của những ông lớn  ngành đá thạch anh

Vicostone và cuộc chơi của những ông lớn ngành đá thạch anh

(ĐTCK) Sau tái cấu trúc, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ tích cực về thị trường của công ty mẹ Phenikaa, trên cơ sở tầm nhìn và chiến lược đúng đắn cùng với sự điều chỉnh kịp thời và linh hoạt trong điều kiện kinh tế thế giới biến động, Vicostone đã lấy lại phong độ từ năm 2014.

Mới đây, Công ty đã lọt vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất 2014 do Forbes Việt Nam bình chọn. Với những gì đang thực hiện, Công ty sẽ tiếp tục gặt hái kết quả cao hơn vào năm 2015, mở ra thời kỳ phát triển mới trên chặng đường dài phía trước. 

Mở rộng sân chơi toàn cầu

Tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là chiến lược mà lãnh đạo Tập đoàn Phenikaa và Vicostone quyết tâm thực hiện. Hiện nay, Phenikaa và Vicostone đạt khoảng 30% chuỗi giá trị gia tăng đầu - cuối trong lĩnh vực đá thạnh anh tấm lớn. Mục tiêu mà tập đoàn này hướng đến là đạt ít nhất tỷ lệ 55% của chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo cho sự phát triển thương hiệu sản phẩm Vicostone quartz surface trên quy mô toàn cầu  một cách chắc chắn, bền vững.

Với định hướng trên, ngay trong nửa đầu năm 2015, ngoài những cơ sở kho hàng và văn phòng bán hàng đã có tại miền Nam, bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ, Phenikaa đã mở thêm 3 cơ sở kho hàng và văn phòng giao dịch tại Chicargo, Atlanta, Houseton và trong 6 tháng cuối năm sẽ mở thêm cơ sở tại phía Đông Canada (Toronto). Đây là những bước đi quan trọng và có tính quyết định trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng, nâng cao thị phần, tăng năng lực cạnh tranh và doanh thu của Tập đoàn tại Mỹ mặc dù việc này yêu cầu mức đầu tư không nhỏ.

Việc công ty mẹ Phenikaa đầu tư như vậy sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc bán hàng dưới thương hiệu Vicostone. Hiện tại, Vicostone nằm trong nhóm 4 thương hiệu Quartz Surface hàng đầu thế giới. Trên thực tế, Vicostone và Phenikaa đã bước vào cuộc chơi của những ông lớn trong ngành đá thạch anh tấm lớn.

Riêng ở Mỹ, theo số liệu của Hải quan Mỹ năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, nếu tính theo công ty, thương hiệu Vicostone là nhà xuất khẩu đá tấm lớn thạch anh lớn thứ 4 vào thị trường Mỹ về số lượng m2 và giá trị, chỉ sau ba ông lớn ở Isaraen, Tây Ban Nha, Canada.

Áp lực sẽ là không nhỏ khi đã ở trong tốp các công ty hàng đầu về sản xuất và kinh doanh đá cao cấp. Vì vậy, tập đoàn Phenikaa đã xác định phải nâng cao tính chuyên nghiệp cho tất cả các công ty thành viên, trong đó có Vicostone, trở thành mắt xích chủ yếu trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu trong lĩnh vực này để có thể cạnh tranh sòng phẳng và hiệu quả với bất kỳ đối thủ nào trên thế giới.

Áp lực nêu trên yêu cầu Phenikaa nói chung và các công ty con như Vicostone phải liên tục hoàn thiện các khâu trong hệ thống quản trị, điều hành và đào tạo về quản lý, chuyên môn, kỹ năng, trong đó đặc biệt chú ý đến các lĩnh vực thiết yếu như: quản trị chiến lược, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, R&D, đào tạo nguồn nhân lực… 

Vicostone đã phát triển thành công nhiều dòng sản phẩm, tạo ấn tượng tốt với khách hàng 

Làm mới chính mình

Nếu như hoạt động R&D khá xa xỉ với nhiều doanh nghiệp thì tại Vicostone, đây là bộ phận được đầu tư mạnh và chăm sóc rất kỹ. Vicostone cạnh tranh trên cơ sở khác biệt hóa về sản phẩm và tốc độ cung ứng sản phẩm (kể cả tốc độ thay đổi mẫu mã) ra thị trường.

Mọi hoạt động đầu tư, nghiên cứu của doanh nghiệp theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty đều tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh cốt lõi, khai thác tối đa công suất dây chuyền hiện tại trên cơ sở đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững uy tín thương hiệu.

Bộ phận Nghiên cứu và phát triển đã nghiên cứu triển khai thành công nhiều đề tài khoa học vào sản xuất kinh doanh, phát triển thành công nhiều dòng sản phẩm mới, độc đáo, tạo được ấn tượng tốt với khách hàng, tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Sản phẩm liên tục được cải tiến và đạt chất lượng tốt nhất, thân thiện với môi trường, đáp ứng cao nhất yêu cầu của khách hàng.

Về vấn đề quản trị rủi ro, theo quan điểm của ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone, Công ty phải đảm bảo yếu tố  phát triển bền vững. Bởi vậy, “dẫn dắt rủi ro để phát triển bền vững” là kim chỉ nam cho việc triển khai hệ thống quản trị rủi ro trong toàn Tập đoàn. Định hướng này thể hiện tính chủ động trong việc quản trị rủi ro ở mọi cấp quản lý, trong tất cả các quá trình thực hiện công việc, nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn cụ thể.

Phenikaa và Vicostone đang vận hành hệ thống quản trị rủi ro và kiểm toán nội bộ với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ Ernst & Young Việt Nam. Hệ thống được xây dựng, vận hành và phát triển dựa trên nền tảng hệ thống thông tin quản lý hiệu quả, xuyên suốt trong toàn tổ chức, sự hiểu biết đầy đủ các vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân và được triển khai trong toàn Tập đoàn, từ Công ty mẹ đến các Công ty con.

Chọn được người giỏi là quan trọng nhưng quan trọng hơn theo chia sẻ của người đứng đầu Tập đoàn là chọn được những con người phù hợp, trao quyền mạnh mẽ cho họ cùng với hệ thống giám sát hiệu quả, để công tác quản trị rủi ro trở thành lợi thế cạnh tranh dài hạn.

Trong năm 2015, một bộ nhận diện thương hiệu toàn cầu điều chỉnh của tập đoàn Phenikaa và thương hiệu sản phẩm Vicostone Quartz Surface sẽ được hoàn chỉnh và triển khai nhận diện toàn cầu. Riêng nhãn hiệu Vicostone đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam và trên 50 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường chủ chốt của Công ty như: Mỹ, Úc, New Zealand, EU, Canada, các nước Nam Mỹ…

Cầu thị và minh bạch

Nội dung báo cáo thường niên 2014 của Vicostone cho thấy, đây là một trong những công ty có phần phân tích rõ và đầy đủ nhất về các chỉ tiêu tài chính. Trong ấn phẩm này, doanh nghiệp đã đưa ra bức tranh tương đối đầy đủ về thực trạng tài chính và mức độ hiệu quả hoạt động, các rủi ro cần lưu ý. Đây cũng chính là nhận xét được thống nhất cao từ Hội đồng bình chọn.

Doanh nghiệp đã tận dụng tối đa đòn bẩy tài chính trong hoạt động của mình và coi đây là một lợi thế, việc này tuy có rủi ro nhưng rủi ro này đã được nhận diện và có biện pháp phòng ngừa.

Trên thực tế, Vicostone đang khai thác triệt để lợi thế của giải pháp ERP - SAP trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất - kinh doanh, nên có thể xây dựng được các kịch bản kinh doanh khác nhau trên cơ sở phân tích và kiểm soát được các rủi ro tiềm năng và lượng hoá chúng vào trong chỉ số kinh doanh. Điều này là hết sức cần thiết và có ích trong điều kiện môi trường kinh doanh quốc tế đầy biến động như hiện nay.

Với sự chuẩn bị chu đáo cho các kịch bản kinh doanh dài hạn và ngắn hạn, quý I/2015, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 535 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 73,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 65,4 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2015, Vicostone đạt 1.150 tỷ đồng doanh thu và 186 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Doanh thu tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng hiệu quả hoạt động đã tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, đang đưa Vicostone đi đúng quỹ đạo mong muốn, chủ động cho hành trình dài phía trước.

Tin bài liên quan