Viconship (VSC) hoàn tất nâng sở hữu Vinaship (VNA) lên 40,01%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Container Việt Nam – Viconship (mã VSC) mới thông báo đã hoàn tất nhận chuyển nhượng hơn 12,76 triệu cổ phiếu VNA của CTCP Vận tải biển Vinaship (mã VNA) trong ngày 10/10.
Viconship (VSC) hoàn tất nâng sở hữu Vinaship (VNA) lên 40,01%

Sau khi giao dịch hoàn tất, Viconship đã nâng sở hữu tại Vinaship từ 836.000 cổ phiếu (tỷ lệ 2,46%) lên hơn 13,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 40,01%). Theo dữ liệu giao dịch của VNA, tổng giá trị giao dịch của hơn 12,76 triệu cổ phiếu này là 344,72 tỷ đồng, tương ứng bình quân mỗi cổ phiếu có giá 27.000 đồng/CP.

Trước đó, Viconship đã có công văn gửi cơ quan quản lý đính chính về tỷ lệ sở hữu dự kiến nắm giữ sau giao dịch. Theo công bố ban đầu, khi mua hoàn tất toàn bộ hơn 12,76 triệu cổ phiếu, Viconship sẽ tăng tỷ lệ sở hữu VNA từ 0% lên 37,55%.

Tuy nhiên, do sơ suất, Viconship đã cung cấp thông tin số lượng, tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch chưa chính xác. Sau điều chỉnh, Viconship cho biết sẽ nắm giữ hơn 13,6 triệu cổ phiếu VNA, tương ứng tỷ lệ 40,01% vốn điều lệ (do trước giao dịch đã sở hữu 836.000 cổ phiếu, tỷ lệ 2,46%).

Như vậy, với việc sở hữu 40,01% vốn Vinaship, Viconship sẽ là cổ đông lớn thứ hai tại đây chỉ sau Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (mã MVN) là công ty mẹ, sở hữu 51%. Về phía Vinaship, lượng freefloat còn lại là chưa tới 10%.

Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 ngày 24/09 vừa qua, Vinaship đã thông qua việc cho VSC được phép nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết từ các cổ đông hiện hữu của VNA, để đạt sở hữu trên 25% số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải chào mua công khai. Danh sách cổ đông dự kiến chuyển nhượng cổ phiếu VNA cho VSC bao gồm 1 tổ chức và 14 cổ đông cá nhân. Trong đó, Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam dự kiến chuyển nhượng 5 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Chung dự kiến chuyển nhượng hơn 1 triệu cổ phiếu …

Ngoài ra, Vinaship đã phê duyệt kế hoạch mua tàu chở hàng khô có trọng tải 28.000 – 32.000 DWT, loại đã qua sử dụng được đóng từ năm 2009 - 2013, tương đương độ tuổi dưới 15, nơi đóng tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. VNA dự kiến thực hiện trong thời gian từ thời điểm được phê duyệt cho đến kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2025.

Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 12 triệu USD, tương đương gần 306 tỷ đồng, trong đó giá mua tàu gần 304 tỷ đồng và lệ phí trước bạ, chi phí tiếp nhận tàu gần 2 tỷ đồng. VNA lên kế hoạch sử dụng 50% từ vốn tự có và 50% vốn vay từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - CN Hồng Bàng, lãi suất 9%/năm, thời hạn vay 7 năm với gốc, lãi được thanh toán mỗi 3 tháng.

Theo tìm hiểu, Vận tải biển Vinaship tiền thân là Công ty Vận tải biển III thành lập năm 1984. Nguồn thu của Công ty chủ yếu vẫn từ hoạt động kinh doanh vận tải biển quốc tế và một phần từ hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải, bốc xếp, khai thác bãi container.

Trong đó, Vinaship đang sở hữu đội tàu gồm 5 chiếc với tổng tải trọng là 95.861 DWT, độ tuổi bình quân hơn 20 tuổi, trong đó 3 tàu có trọng tải từ 22.000 – 27.000 DWT (28 tuổi), 1 tàu trọng tải 13.245 DWT (16 tuổi) và 1 tàu trọng tải 6.500 DWT (21 tuổi).

Tại thời điểm 30/6/2024, Vận tải biển Vinaship sở hữu quy mô tài sản 635,3 tỷ đồng, đồng thời Công ty cũng không sử dụng nợ vay khi mà vốn chủ sở hữu lên tới 539,28 tỷ đồng, chiếm 84,9% tổng nguồn vốn.

Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2024, Viconship ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 718 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, lãi sau thuế công ty mẹ đạt 68 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế nửa đầu năm 2024, Viconship ghi nhận 1.304 tỷ đồng doanh thu thuần và 60,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ, lần lượt tăng 31% và 23% so với cùng kỳ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/10, cổ phiếu VSC tăng 350 đồng lên 17.600 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan