Tất nhiên, sự im lặng này cũng có nguyên do, bởi đến hết quý I/2014, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ “trồi lên khỏi mặt đất”.
Tuy nhiên, khó khăn này không phải xảy đến với mọi ngân hàng. Đi qua năm 2013 không mấy khả quan, tình hình kinh doanh của VIB trong quý I/2014 có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Cụ thể, tổng tài sản của VIB đến ngày 31/3/2014 đạt 77.085 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, VIB duy trì tăng trưởng ổn định các danh mục sinh lời, quản trị tốt bảng cân đối tài sản. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 37.731 tỷ đồng, tăng trưởng 7,1% so với cuối năm 2013, đây là mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh tín dụng của toàn ngành ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, đến cuối quý I chỉ tăng 1% so với cuối năm 2013. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng của VIB tăng trưởng chủ yếu ở các lĩnh vực cho vay nhà đất, cho vay vốn lưu động khách hàng DN và tài trợ thương mại.
Lợi nhuận trước dự phòng quý I của Ngân hàng tăng 24% so với quý IV/2013, đạt 199 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 52 tỷ đồng. Lợi nhuận trước dự phòng tăng trưởng tốt nhờ vào việc VIB đã lấy lại đà tăng trưởng tín dụng trong quý I/2014 và nắm giữ danh mục tài sản sinh lời tốt, trong một cơ cấu bảng cân đối tài sản hợp lý. Nếu đánh giá lại danh mục trái phiếu chính phủ đang nắm giữ (trên 19.000 tỷ đồng) theo chuẩn mực kế toán quốc tế thì con số lợi nhuận trước dự phòng của VIB đạt trên 400 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VIB đạt trên 17,3%, cao hơn so với quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục nằm ở nhóm ngân hàng có tỷ lệ CAR cao nhất ở Việt Nam. Tỷ lệ an toàn vốn cao trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp cho Ngân hàng có nhiều cơ hội để tăng trưởng tín dụng và các tài sản sinh lời khác trong giai đoạn tiếp theo, khi nhu cầu vốn của nền kinh tế được phục hồi.
Chia sẻ với ĐTCK về nguyên nhân của sự khởi sắc này, một lãnh đạo VIB chia sẻ, đó là kết quả của việc kiên trì với chiến lược phát triển thận trọng trong mấy năm vừa qua. Trong đó, trọng tâm là tăng cường quản trị rủi ro và xây dựng nền tảng vững chắc, chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển tiếp theo khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.
Tỷ lệ nợ xấu của VIB hiện dưới mức 3% và có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng có những chuẩn bị tốt nhất cho việc áp dụng và tuân thủ Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại và trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, có hiệu lực từ 1/6/2014, với những tiêu chuẩn cao hơn, gần hơn với chuẩn mực quốc tế. Hệ thống phê duyệt tín dụng tập trung (LOS) mới đưa vào triển khai cũng giúp rút ngắn thời gian phê duyệt khoản vay cho khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng cường quản trị rủi ro cho ngân hàng.
Với định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, VIB tiếp tục đầu tư vào phát triển sản phẩm, đầu tư công nghệ để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất như: đầu tư mua sắm hệ thống máy ATM để gia tăng sự thuận tiện cho khách hàng; tiếp tục duy trì chính sách miễn phí cho khách hàng khi rút tiền tại ATM…
Ngân hàng cũng đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng như gói vốn 2.500 tỷ đồng cho vay cá nhân, với lãi suất 7,99%/năm trong 6 tháng đầu và 9,99%/năm trong 6 tháng tiếp theo; gói vốn 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay vốn ngắn hạn; gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng DN đặc thù, DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và DN thuộc ngành lương thực.
Trong tháng 3/2014, đoàn lãnh đạo VIB đã gặp gỡ, trao đổi với Chủ tịch và Tổng giám đốc của Ngân hàng CBA tại Sydney, Úc, để thảo luận phương thức thực hiện mục tiêu chung của hai bên là tiếp tục đầu tư và chuyển giao, nhằm giúp VIB nâng cao năng lực kinh doanh và phát triển các mảng dịch vụ chiến lược của Ngân hàng trong thời gian tới.
“Đây là những bước chuẩn bị để đảm bảo khi khó khăn trôi qua, thị trường phục hồi và với nền tảng phát triển ổn định, bền vững, VIB sẽ nhanh chóng nắm bắt được cơ hội và khởi sắc”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.