Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 4/2016, cổ đông VIB đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.850 tỷ đồng lên 5.644 tỷ đồng bằng việc chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 16,5%.
Những năm gần đây, VIB là một trong những ngân hàng thương mại nhận được sự quan tâm của cổ đông và nhà đầu tư khi tỷ lệ chia cổ tức thuộc nhóm cao: năm 2014, tỷ lệ chia là 9% tiền mặt và 14% cổ phiếu thưởng; năm 2015, tỷ lệ chia là 8,5% tiền mặt và 16,5% cổ phiếu thưởng. Đối với hệ thống ngân hàng, việc chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu đều phải nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, dựa trên việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, cũng như tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng như là tiêu chí bắt buộc.
Hiện nay, VIB đang thực hiện việc đăng ký, lưu ký chứng khoán để sẵn sàng giao dịch trên sàn UPCOM vào đầu năm 2017. Việc lên sàn trong thời gian tới, cổ phiếu VIB được dự đoán sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Đối với ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam, VIB được đánh giá là ngân hàng luôn nhất quán với chiến lược phát triển kinh doanh thận trọng, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản so với tốc độ tăng trưởng của vốn điều lệ luôn ổn định, bền vững.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản của VIB đạt 93.079 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 14,46%, nợ xấu giảm mạnh còn 1,49%. VIB hiện có hơn 4.000 cán bộ nhân viên, phục vụ 1,6 triệu khách hàng cá nhân và 34.000 khách hàng doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa và lớn. Cổ đông chiến lược của VIB là Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, một trong 10 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thế giới với hơn 100 năm kinh nghiệm, hiện đang giữ 20% cổ phần của VIB.