Nhiều tuyến phố Hà Nội phải thay đổi thiết kế, chuyển từ đá tự nhiên sang lát gạch giả đá.

Nhiều tuyến phố Hà Nội phải thay đổi thiết kế, chuyển từ đá tự nhiên sang lát gạch giả đá.

Vỉa hè Hà Nội: Chuyển từ “đá bền trăm năm” sang gạch giả đá, tiết kiệm tiền tỷ

Gần một tháng nay, vỉa hè ba tuyến phố của quận Cầu Giấy và phố Trích Sài của quận Tây Hồ đang được xới lên để lát lại bằng nhưng viên gạch giả đá, có tổng mức đầu tư rẻ hơn nhiều so với đá thật. 

Sau khi Thanh tra TP. Hà Nội chỉ rõ nhiều sai phạm tại các dự án lát đá vỉa hè “bền trăm năm”, các quận huyện đều đồng loạt tạm dừng dự án để điều chỉnh vật liệu, thiết kế cho phù hợp.

Gần một tháng nay, những viên gạch block trên vỉa hè trên các tuyến phố chạy qua phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) và tuyến đường ven Hồ Tây (quận Tây Hồ) được đào lên thay thế bằng những viên gạch giống hệt đá tự nhiên.

Bà Phạm Thị Kim Liên – Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, thực chất những viên gạch đang được lát trên vỉa hè các tuyến phố của quận này thuộc dạng gạch bê tông vân đá. “Loại gạch này không chắc chắn bằng đá tự nhiên, nhưng chất lượng cũng bảo đảm để lát vỉa hè”, bà Liên cho biết. 

Trên địa bàn quận Cầu Giấy hiện nay đang chỉnh trang vỉa hè 3 tuyến đường gồm: Trương Công Giai, Trần Đăng Ninh và Trần Đăng Ninh kéo dài. Đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, thực chất quận này có kế hoạch cải tạo vỉa hè ba tuyến phố trên từ giữa năm 2017, bằng đá tự nhiên.

Tuy nhiên, khi các dự án lát đá vỉa hè bị Thanh tra Thành phố kết luận có nhiều sai phạm, quận Cầu Giấy cũng tạm dừng chỉnh trang các tuyến phố kể trên.

Trong thời gian tạm dừng, quận Cầu Giấy gần như làm lại hoàn toàn các dự án chỉnh trang vỉa hè. Nội dung chính trong việc làm lại dự án là chuyển từ đá tự nhiên có độ bền lên đến 70 năm sang lát gạch bê tông vân đá.

Quyết định năm 2017 của UBND quận Cầu Giấy, dự án lát đá tự nhiên (kích thước 40x40x4 cm) trên vỉa hè đường Trần Đăng Ninh kéo dài (đài 420 m), có tổng mức đầu tư hơn 10,8 tỷ đồng. Dự án lát gạch vân đá trên đường Trần Đăng Ninh kéo dài đang được làm hiện nay có tổng mức đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng.

Vỉa hè Hà Nội: Chuyển từ “đá bền trăm năm” sang gạch giả đá, tiết kiệm tiền tỷ ảnh 1

 Việc chuyển từ đá tự nhiên sang gạch giả đá tiết kiệm hàng tỷ đồng cho mỗi dự án. (Ảnh: Trần Thanh).

Cũng trong năm 2017, quận Cầu Giấy đã có quyết định thực hiện dự án chỉnh trang vỉa hè trên đường Trần Đăng Ninh có chiều dài 270 m. Thời điểm đó, quận Cầu Giấy dự toán tổng chi phí cho việc lát đá tự nhiên đoạn đường này hết gần 15 tỷ đồng. Còn việc lát gạch giả đá đang được quận Cầu Giấy thực hiên trên đường Trần Đăng Ninh có tổng mức đầu tư 13,3 tỷ đồng.

Trong năm 2017, quận Cầu Giấy cũng hoàn thiện dự án cải tạo ngõ 337 đường Cầu Giấy (74 m) và hè đường Trương Công Giai (hơn 400 m) bằng đá tự nhiên, có tổng mức đầu tư hơn 13,3 tỷ đồng. Hiện nay, vỉa hè tuyến phố này đang được lát gạch bê tông giả đá, có tổng mức đầu tư gần 11 tỷ đồng.

Như vậy, từ việc chuyển từ đá tự nhiên sang gạch giả đá ở 3 tuyến phố kể trên, quận Cầu Giấy tiết kiện ngân sách khoảng 6,3 tỷ đồng. “Bê tông giả đá rẻ hơn đá tự nhiên và thời gian thi công cũng nhanh hơn”, một công nhân làm việc trên tuyến phố Trần Đăng Ninh cho biết.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn. Theo quyết định này, trên địa bàn thành phố chỉ có 7 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hà Đông, Hoàng Mai) với hơn 100 tuyến phố được lát đá tự nhiên; có 11 quận với tổng số khoảng 200 tuyến phố được lát gạch bê tông giả đá.

Quyết định cũng nêu rõ, các quận chỉ làm mới vỉa hè các tuyến phố ki đã xuống cấp, chất lượng không đảm bảo và đã đầu tư đồng bộ, ổn định hệ thống hạ tầng kỹ thuật; các trường hợp còn lại chỉ chỉnh trang để tránh láng phí.

Tin bài liên quan