Sở giao dịch chứng khoán quốc gia đặt ở đâu?
Vào cuối phiên chất vấn Thủ tướng ngày 17/11, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP. HCM) phản ánh, trong 63 tỉnh thành tại Việt Nam chưa có tỉnh thành nào trở thành trung tâm kinh tế - tài chính đúng nghĩa và có quy mô đô thị sánh ngang trong khu vực. Vậy Thủ tướng có quyết sách gì để hình thành 1, 2 trung tâm kinh tế, tài chính, đô thị sánh ngang các trung tâm trong khu vực?
Ông Quốc nhìn nhận, sở giao dịch chứng khoán (GDCK) là một doanh nghiệp, không phải cơ quan quản lý nhà nước. Tương quan giữa 2 sở GDCK hiện nay, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đang nắm giữ 88% giá trị vốn hoá, 70% thanh khoản của thị trường. Dự kiến tới năm 2020, TP. HCM sẽ hình thành 500.000 doanh nghiệp, chiếm 50% tổng số doanh nghiệp toàn quốc. Vậy nên đặt sở GDCK quốc gia nằm trong hoặc ngoài TP. HCM như thế nào để phù hợp với quy luật kinh tế thị trường? Tại một số quốc gia, các trung tâm tài chính lớn cũng không nằm tại thủ đô như: Phố Wall của Mỹ đặt tại New York, không phải Washington, Trung Quốc đặt tại Thượng Hải, không phải Bắc Kinh...
Giải đáp câu hỏi trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam cần một số trung tâm kinh tế - tài chính mang tầm khu vực, mà trước tiên sẽ xây dựng Hà Nội, TP. HCM trở thành những trung tâm tài chính như vậy. Để thực hiện, cần có cơ chế phù hợp, theo đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan liên quan sẽ thảo luận để tạo điều kiện cho 2 địa phương này trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ của cả nước.
“Sở GDCK là một doanh nghiệp, tôi đồng ý, nhưng có hai thị trường là cổ phiếu, trái phiếu. Đặt ở đâu đi chăng nữa về cơ bản chỉ là giao dịch trên bảng điện tử, không phải văn phòng. Vì sao cần nhập 2 sở làm một, vì để thị trường giao dịch cổ phiếu tập trung tại TP. HCM, còn thị trường trái phiếu sẽ đặt tại Hà Nội do liên quan tới các cơ quan trung ương trong quản lý kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng cho biết.
Về nơi đặt trụ sở Sở GDCK quốc gia, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán cuối tháng 10 vừa qua, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK thừa nhận, đây là nội dung “được bàn thảo rất nhiều ở cấp chuyên gia, các bộ ngành, địa phương”.
Không dùng tiền thuế của dân để bù cho các dự án thua lỗ
Chưa thỏa mãn với phần trả lời trong các phiên trả lời chất vấn trước đó của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về số phận của 5 dự án lớn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách, trong phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi về nội dung này.
"Chính phủ báo cáo Quốc hội về 5 dự án đầu tư nghìn tỷ, nhưng thua lỗ lớn. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giải trình song cử tri vẫn lo lắng. Xin Thủ tướng cho biết quan điểm xử lý của Chính phủ", đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) chất vấn.
Giải đáp câu hỏi trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với 5 dự án thua lỗ lớn trên, tinh thần là không sử dụng tiền thuế của dân để bù lỗ; sẽ cắt lỗ, cho phá sản, không để “đắp chiếu” gây gánh nặng cho nền kinh tế.
“Chính phủ sẽ xem xét hết sức cụ thể để đảm bảo sử dụng tài sản tốt nhất và sẽ báo cáo kết quả xử lý các dự án này tới Quốc hội”, Thủ tướng cho biết.
Liên quan đến nội dung trên, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, thanh tra các dự án; đánh giá đúng thực trạng tình hình; đưa ra các phương án, biện pháp giải quyết và thu hồi tối đa vốn, tài sản nhà nước; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm. Đồng thời, chỉ đạo rà soát toàn bộ tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước để có phương án xử lý phù hợp, không để lãng phí, thất thoát vốn; kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả.
“Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã có chủ trương từ lâu nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh, tuy nhiên tỷ lệ vốn bán ra mới đạt khoảng 8%. Thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường; thực hiện công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, ngăn ngừa thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Thoái hết vốn nhà nước tại những doanh nghiệp không cần nắm giữ. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; sớm thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.