Là ngân hàng thương mại cổ phần duy nhất được xướng danh thành viên xuất sắc của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) sơ cấp do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Kho bạc Nhà nước và Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam tổ chức đầu năm 2013, Ngân hàng Quân đội (MBBank) đã nhanh chóng trở thành một cái tên lớn trên thị trường TPCP.
Bốn ngân hàng khác đứng ngang hàng với Ngân hàng Quân đội trong Lễ vinh danh thành viên thị trường TPCP hồi đầu năm nay chính là 4 ngân hàng có sở hữu nhà nước chi phối: Vietinbank, BIDV, Vietcombank và Agribank.
Nhắc đến Ngân hàng Quân đội trên thị trường TPCP, các thành viên khác đều có nhận xét chung “rất mạnh”. Nhận xét đó xuất phát từ quy mô đầu tư lớn của Ngân hàng trên thị trường này: trong khi các ngân hàng quốc doanh Vietinbank, BIDV, Vietcombank có tổng tài sản gấp 3 lần Ngân hàng Quân đội, nhưng tổng số tiền đầu tư vào trái phiếu (gồm cả TPCP và TPDN) cũng chỉ gấp 1,5 lần tổng lượng đầu tư của MBBank.
Ngay từ đầu năm 2012, khi thị trường TPCP bắt đầu bùng nổ, một phần do các công cụ đầu tư khác trên thị trường tài chính trở nên rủi ro, Ngân hàng Quân đội đã tăng mạnh ngân sách cho kênh đầu tư này. Tỷ trọng đầu tư vào TPCP trên tổng tài sản của Ngân hàng tính đến cuối năm 2012 đã tăng mạnh mẽ lên 20%, gấp 2,5 lần so với tỷ trọng 8% hồi cuối năm 2011.
Tỷ trọng này tính đến 30/6/2013 tiếp tục tăng lên, đạt 24% tổng tài sản của MBBank, nâng tổng số tiền đầu tư cho TPCP của Ngân hàng lên 41.129 tỷ đồng, tăng thêm 4.600 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Trong khoảng thời gian này, Chính phủ đã huy động được tổng cộng 121.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Sự tập trung cho TPCP của Ngân hàng Quân đội còn được thể hiện một phần ở việc Ngân hàng đã giảm mạnh tỷ trọng đầu tư cho trái phiếu doanh nghiệp. Khác với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tương đương khác vẫn đang đầu tư 10% hay 20% tổng tài sản cho công cụ lợi suất cao kèm rủi ro cao, Ngân hàng Quân đội lại giảm dần tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp về chỉ còn 3%, ngang bằng với các ngân hàng quốc doanh như BIDV và Vietcombank.
Mặc dù chưa có phân tích nào đánh giá chi tiết hiệu quả của sự thay đổi trong chiến lược đầu tư vào TPCP của Ngân hàng Quân đội trong hơn 1 năm vừa qua, nhưng kết quả rõ ràng là lợi nhuận của Ngân hàng đang cao vượt trội so với các ngân hàng khác cùng quy mô.
8 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã báo cáo lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2013 đạt 1.800 tỷ đồng, cao hơn kỳ vọng của giới phân tích và cao hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Kết quả vượt trội này đã khiến các công ty chứng khoán lớn như SSI hay HSC đều duy trì mức đánh giá “vượt trội” hoặc “khả quan” đối với cổ phiếu MBB của Ngân hàng.
“Chúng tôi dự báo MBB sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 3.440 tỷ đồng trong năm 2013 bằng với kế hoạch ban đầu của Ngân hàng. Trên thực tế, ít ngân hàng có được thành tựu như vậy trong năm nay”, HSC nhận xét về Ngân hàng Quân đội trong báo cáo hồi cuối tháng 7 vừa rồi.
Kết quả này, theo báo cáo tài chính của Ngân hàng, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các mảng hoạt động dịch vụ và đầu tư chứng khoán. Trong khi lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ, thu nhập từ đầu tư chứng khoán (gồm cả trái phiếu và cổ phiếu) lại tăng vọt 63,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2.190 tỷ đồng.
Thế mạnh của Ngân hàng Quân đội trên thị trường TPCP còn thể hiện qua việc công ty con của MBBank là MBCapital là một trong hai công ty quản lý quỹ đầu tư đầu tiên tại Việt Nam tiên phong thành lập quỹ mở trái phiếu. Tính đến thời điểm này, Quỹ MBBF của MBCapital là quỹ duy nhất trong 4 quỹ mở trái phiếu duy trì được tăng trưởng tài sản ròng (NAV) cao hơn lãi suất tiết kiệm. Quỹ này sau 5 tháng khai trương đã đạt tăng trưởng NAV 4,42%, tương đương với 11%/năm - trong khi 3 quỹ còn lại hoặc suy giảm NAV hoặc chỉ tăng NAV rất thấp.
“Ngân hàng Quân đội đã hỗ trợ chúng tôi nhiều để có được kết quả tốt như vậy”, ông Ngô Long Giang, Giám đốc đầu tư của MBCapital nói.