Những ngày cận Tết, tôi được một người anh đang làm ở Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại TP.HCM mời tới nhà chơi, với lời mời hấp dẫn: “Qua đi, anh cho chú ăn một món đặc biệt mà bảo đảm hàng chục năm qua chú chưa được ăn lại”.
Hào hứng qua nhà anh, thứ đặc sản anh đãi tôi là món bánh quy gai xốp. Ôi cái món bánh mà ở cái thời bao cấp nó là đặc sản của những đứa trẻ như chúng tôi, cái thứ bánh chỉ có mùa Tết mới có thể được thưởng thức.
Tôi còn nhớ cái thời bao cấp, tất cả những nhu yếu phẩm thiết yếu như dầu đốt, gạo, muối… đều phải mua ở cửa hàng mậu dịch và bằng tem phiếu. Các tem phiếu chỉ có giá trị trong tháng, hàng lại khan hiếm, nên những cửa hàng mậu dịch luôn trong tình trạng quá tải, người dân xếp hàng từ sáng tới trưa, nhưng tới lượt mình có thể sẽ gặp cảnh nhân viên mậu dịch thông báo hết hàng, phải về tay không.
Cũng chính vì độ khan hiếm của hàng hóa mà cái thời ấy, nên ai có người nhà làm ở cửa hàng mậu dịch, thì còn hơn là làm quan hiện nay.
Tôi còn nhớ ngày đó cả họ nhà tôi được dịp nở mày nở mặt khi người anh họ đi bộ đội về và tán được một cô làm ở cửa hàng mậu dịch. Nói thực, nhan sắc của cô gái ấy không đẹp, tuổi thì lại hơn anh họ tôi, nhưng vẫn là niềm tự hào của gia đình và dòng họ, chỉ vì cô ấy làm ở cửa hàng mậu dịch. Nói là hãnh diện, vì người nhà làm ở cửa hàng mậu dịch, thì người thân sẽ được ưu tiên mua hàng tươi ngon, thậm chí không sợ sẽ hết hàng.
Cũng chính vì sống bằng tem phiếu, nên tôi nhớ thời đó khi nhận tem phiếu hàng tháng, mẹ tôi hay bọc kỹ vào những tấm khăn mùi xoa rồi giắt vào cạp quần và lấy kim băng ghim lại vì sợ mất. Bởi nếu mất, coi như cả tháng đó gia đình tôi sẽ không có gì để ăn, không có dầu để đốt.
Khó khăn vô cùng như vậy, nhưng với người dân Việt Nam ngày Tết được coi là sự kiện trọng đại, nên bằng mọi giá phải chuẩn bị được đồ ngon, từ già tới trẻ đều mong Tết.
Nhiều năm qua đi, giờ ăn lại được món bánh quy gai xốp tôi nhớ lại cái thời khắc mong đợi Tết khi còn là một cậu bé. Khi Tết đến, thứ mà người lớn trong gia đình lo lắng nhất là nồi bánh chưng, thường thì các gia đình tự gói.
Nhà tôi thường gói bánh chưng vào ngày 28 Tết, những ngày này tôi lại cùng các chị gái mình được bố giao nhiệm vụ lau lá bánh, đặt mâm để bố gói bánh. Cũng trong lúc lau lá bánh, tôi lại chọn cho mình những chiếc lá dong nhỏ nhất để chút nữa tự tay gói cho mình những chiếc bánh nhỏ xíu.
Tôi còn nhớ, bố gói bánh rất cẩn thận, nhà hàng xóm thường gói bánh bằng tay, còn bố luôn phải dùng một cái khuôn vuông bằng gỗ để làm khuôn gói bánh cho chặt và vuông đẹp.
Bánh chưng được nấu cả đêm, khi đó, chị em tôi và những đứa trẻ cùng xóm ngồi canh nồi bánh chưng để nướng khoai, hay chơi trò chơi dân gian như banh đũa, trốn tìm…
Bố tôi nói, phải nấu 12 tiếng thì bánh mới chín đều không bị lại gạo, nhưng thường chị em tôi chỉ thức tới 11h đêm đã lăn ra ngủ ngay tại cái chiếu trong bếp. Sáng dậy đã thấy bánh chưng được bày ra bàn, phía trên bố kê tấm gỗ lớn, rồi dùng những cục đá to đè lên cho bánh chặt. Khi đó, mùi bánh thơm phức, còn những chiếc bánh nhỏ của chị em tôi làm cũng được lấy ra để ở cạnh, để khi ngủ dậy, là chúng tôi được thưởng thức chúng như một phần thưởng cho việc lau lá bánh.
Nhưng Tết vui nhất với tôi không phải là những chiếc bánh chưng nhỏ, mà là bánh quy gai xốp. Thực ra, quy gai, quy xốp là hai loại bánh khác nhau, nhưng vì ngày Tết chúng luôn được để cùng 1 đĩa, nên được mọi người gọi là bánh quy gai xốp.
Bánh quy gai hình thù như chiếc đũa cả dài chừng 6 cm, ở mặt bát có những hàng gai đâm lên tua tủa. Còn bánh quy xốp có nhiều hình thù khác nhau, nhưng cùng làm một thứ nguyên liệu là đường, chứng, bột mì như quy gai.
Thường thì cách Tết khoảng 10 ngày, gia đình tôi sẽ đi làm bánh quy gai xốp. Mẹ mua bột mì, ra chợ mua ít trứng gà và đường, rồi mang qua hợp tác xã để nhờ họ làm, hôm sau mới ra lấy bánh về. Tuy nhiên, nhiều người trong xóm cẩn thận hơn, quyết đứng chờ làm xong thì lấy ngay, dù mỗi mẻ bánh làm khoảng hơn 1 tiếng. Bởi họ nghe nói nếu không đứng canh, thì nhân viên tiệm bánh sẽ làm thiếu bột, thiếu đường.
Sau khi mang bánh về mẹ bó thật chặt bánh vào trong túi ni-lông rồi mang vào hũ gạo cất. Mẹ nói, làm như vậy bánh mới không bị ỉu. Đúng vào tối 30 Tết, mẹ mới lấy bánh ra để vào đĩa cho cả nhà ăn thử.
Nhà tôi khó khăn nhất xóm, nên bố mẹ ít khi lì xì cho trẻ con, mà chỉ lì xì cho những đứa trẻ thân thích và thứ lì xì duy nhất là những chiếc bánh quy gai xốp.
Dù trong những chiếc bánh lì xì đó có những chiếc bị tiệm bánh nướng quá lửa, bị cháy đen cạnh, nhưng khi đó chúng tôi ăn sao vẫn thấy ngon lạ thường. Thế rồi, từ năm 1986, khi Nhà nước bỏ bao cấp, những cái Tết tiếp theo, chúng tôi được thưởng thức thứ bánh quy gai xốp ngon và hấp dẫn, tới nỗi chỉ nhắc tới là cả đám đã chảy nước miếng, dù đã bước vào tuổi thanh niên.
Cầm chiếc bánh quy gai xốp trên tay, tôi trở về với thực tại. Nghĩ về những đứa con của mình bây giờ chúng cũng bằng cái tuổi mà mình sống với bánh quy gai xốp, chỉ khác là giờ đây đất nước đã hội nhập. Thị trường có cả hàng trăm loại bánh quy hay kẹo từ trong nước tới ngoại nhập, lẫn những chiếc bánh đặc sản quê như kẹo lạc, bánh cáy làng Nguyễn mà bố mẹ hay gửi cho chúng tôi ăn. Để các cụ được vui, chúng tôi luôn khen bánh ngon thích ăn, nhưng thực tế, đám trẻ con thời nay chả bao giờ đụng vào một cái bánh quê.
Những ngày cận Tết, gia đình tôi luôn cố gắng cho mấy đứa nhỏ sinh ở miền Nam được ra miền Bắc để ăn Tết quê với ông bà, với mong muốn tụi nhỏ sẽ giữ được hồn Tết quê, nơi cha mẹ chúng sinh ra. Nhưng dù tạo mọi cơ hội cho tụi nhỏ được phụ ông bà gói bánh chưng tết, thì chúng cũng chỉ quanh quẩn với cái điện thoại, máy tính bảng. Chúng không hứng khởi với việc gói bánh chưng, hay những trò chơi dân gian, thứ trò chơi duy nhất chúng thích lại nằm ở những chiếc điện thoại.
Tôi chợt nghĩ, rồi mai này, liệu tụi nhỏ có còn nhớ tới ngày Tết phải thắp hương bằng những gì, những đứa cháu tôi liệu có biết chơi banh đũa, đánh đáo đánh bi, chơi trốn tìm hay không? Hay như loại bánh quy gai xốp đặc sản một thời không thể thiếu ở mỗi gia đình ngày Tết thì cũng đã gần như tuyệt chủng…