Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chưa có khuyến cáo áp dụng hộ chiếu vắc-xin.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế phân tích có 3 lý do khiến Việt Nam và các nước chưa áp dụng hộ chiếu vắc-xin Covid-19.
Thứ nhất, tiêm vắc-xin chỉ có tác dụng làm giảm, hạn chế tỷ lệ trầm trọng của bệnh khi mắc Covid-19, còn liên quan đến việc di chuyển cuả người tiêm vắc-xin Covid-19 ra sao hay thế nào cũng chưa được khuyến cáo.
Thứ hai, mỗi quốc gia sử dụng các loại vắc-xin ngừa Covid-19 khác nhau như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V, Sinovac… với hiệu quả bảo vệ khác nhau, có loại cao, loại thấp.
Thứ ba, việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin tùy theo miễn dịch cộng đồng. Rất nhiều quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 cao hoặc tiêm phòng diện rộng sẽ có miễn dịch cộng đồng cao. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia “sạch” do kiểm soát tốt dịch và hiện tỷ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, miễn dịch cộng đồng của người dân Việt Nam thời điểm hiện tại là gần như chưa có.
“Nếu triển khai hộ chiếu vắc-xin không quản lý chặt có thể làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.
Liên quan đến việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin Covi-19, Cục trưởng Y tế dự phòng cho biết Bộ Y tế cùng nhiều cơ quan đến nay vẫn đang xây dựng các phương án, xem xét triển khai áp dụng với quốc gia nào, áp dụng đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các nước, áp dụng với vắc-xin nào và cách đi lại ra sao.
Bước đầu Bộ Y tế thống nhất, những người được tiêm vắc-xin đủ theo khuyến cáo nhà sản xuất, nhà chuyên môn có thể được giảm thời gian cách ly. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất, vẫn phải chờ quyết định của lãnh đạo Bộ Y tế hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo ông Tấn, hiện một số địa phương như Quảng Nam, Phú Quốc đang đề xuất cho thí điểm áp dụng hộ chiếu vắc-xin với khách lưu trú ngắn ngày, chỉ chơi golf, nghỉ dưỡng không di chuyển.
“Có thể đây cũng là mô hình cần thử nghiệm nhưng phải quản lý nghiêm ngặt người đến, đòi hỏi chính quyền địa phương, công an, cơ quan chủ quản phải quản lý rất chặt chẽ”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay.
Đồng tình với quan điểm cần thận trọng khi triển khai hộ chiếu vắc-xin, PGS. TS Vũ Đình Thiểm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu ý kiến, chúng ta có thể xem xét đến việc người tiêm vắc-xin đủ ngày, sau tiêm liều 2 từ 14 ngày trở ra mới được cấp hộ chiếu vắc-xin và cho nhập cảnh.
Tuy nhiên, theo PGS Thiểm, không phải vắc-xin có hiệu lực 100%. Trong số người tiêm vắc-xin vẫn có khả năng mắc bệnh, vậy nên cần phải có biện pháp phòng, chống dịch cho nhóm người này.
Trước đó, Bộ Y tế đã dự kiến 3 nhóm đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19: Nhóm đối tượng thứ nhất là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, trong điều kiện đã tiêm vắc-xin thì về nước. Bộ Y tế cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể những người về từ nước nào thì có biện pháp cách ly, theo dõi y tế phù hợp, ở mức cần thiết, theo hướng an toàn. Trong đó cần tính đến cả những doanh nhân Việt Nam có nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.
Nhóm đối tượng thứ hai là những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, tuỳ từng nước, điều kiện, đã tiêm loại vắc xin nào thì sẽ phải quy định cụ thể về thời gian xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế.
Đối với nhóm đối tượng thứ ba là khách du lịch quốc tế, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch trình Ban Chỉ đạo phương án cụ thể lộ trình mở cửa du lịch.
Hướng ban đầu là du khách từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vắc xin đạt miễn dịch cộng đồng và nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng quản lý, kiểm soát được người vào đã an toàn, có quy định kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.
Liên quan tới việc tiêm vắc-xin Covid-19, theo Bộ Y tế, đã có 66.366 người là cán bộ, nhân viên y tế được tiêm vắc xin Covid-19, trong đó vắc-xin AstraZeneca do VNVC nhập khẩu theo mô hình phi lợi nhuận chiếm hầu hết, còn lại số nhỏ vắc-xin Sputnik V do Nga tài trợ.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chưa có khuyến cáo áp dụng hộ chiếu vắc-xin. Trên thế giới mới chỉ có Singapore đang thí điểm trên phạm vi rất hẹp, vừa tham khảo, vừa thăm dò...