Vì sao thoái vốn nhà nước tại Sa Giang thất bại?

Vì sao thoái vốn nhà nước tại Sa Giang thất bại?

(ĐTCK) Cổ tức mỗi năm đều đặn 20 - 30%, EPS thường đạt trên 3.000 đồng, hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm, ngành cơ bản có tiềm năng… Với những yếu tố này, ngỡ rằng phiên thoái vốn 50% cổ phần nhà nước tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), 1 trong 10 doanh nghiệp lớn trong danh sách thoái vốn nhà nước của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ dễ thành công. Tuy nhiên, thực tế lại khác.

Giá bị bó cứng

Sa Giang là đơn vị sản xuất ở lĩnh vực thực phẩm chế biến, hoạt động khá ổn định với kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Năm 2018, Sa Giang trả cổ tức 29% bằng tiền, lãi cơ bản trên mỗi cổ phần là 3.214 đồng. Ðây là doanh nghiệp được giới đầu tư nước ngoài rất quan tâm trong các cuộc xúc tiến đầu tư tài chính của SCIC.

Mới đây, SCIC đã thông báo chào bán toàn bộ 3,56 triệu cổ phần (tương đương 50% vốn) đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang vào ngày 15/7. Hình thức bán số cổ phần nói trên là đấu giá cả lô, với giá khởi điểm 111.700 đồng/cổ phần, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phải bỏ ra tối thiểu 398 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần này. Thời gian đăng ký muộn nhất là ngày 12/7 và chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước.

Trước phiên chào bán này, SCIC đã nhận kiến nghị về việc xé nhỏ lô cổ phần để chào bán rộng rãi cho nhiều nhà đầu tư. Song quan điểm của Tổng công ty là sẽ bán toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tránh trường hợp nhà đầu tư chỉ mua một phần cổ phiếu chào bán nhằm đạt được quyền chi phối doanh nghiệp rồi thôi, cổ đông nhà nước bất đắc dĩ nắm số ít cổ phần còn lại mà không cách nào bán được.

SCIC đã quyết định chào bán cả lô cổ phần chiếm 50% vốn điều lệ của Sa Giang, trong khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% cổ phần. Bởi vậy, đợt đấu giá giới hạn, chỉ thực hiện với nhà đầu tư trong nước.

Không chỉ hẹp về đối tượng nhà đầu tư, một thách thức lớn hơn đến từ chính thị giá cổ phiếu SGC. Giám đốc tư vấn tài chính một công ty chứng khoán nhận xét, Sa Giang là doanh nghiệp tốt nhưng giá khởi điểm SCIC đưa ra ở mức cao so với trung bình thị trường và nhiều cổ phiếu khác, nên không dễ hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo tìm hiểu của Ðầu tư Chứng khoán, giá khởi điểm trong phiên đấu giá trên, theo các quy định hiện hành, ngoài căn cứ vào định giá doanh nghiệp theo chứng thư thẩm định giá của các đơn vị được cấp phép, bên bán còn phải căn cứ vào giá trung bình của thị giá cổ phiếu trên sàn trong ít nhất 30 phiên giao dịch liên tục trước thời điểm chọn giá khởi điểm.

Trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), cổ phiếu SGC của Sa Giang được xếp vào nhóm có giao dịch đặc biệt, thanh khoản cực thấp, hầu như không có giao dịch, hoặc mỗi phiên chỉ khớp được vài trăm cổ phần, song thị giá được đẩy lên tới gần 130.000 đồng/cổ phần.

“Chào bán cả lô cổ phần tại các doanh nghiệp như Sa Giang không đơn giản, bởi còn phải căn cứ vào thị giá cổ phiếu trên sàn. Nếu thị giá cổ phiếu doanh nghiệp cứ bị đẩy lên cao, dù giao dịch mỗi phiên chỉ vài trăm cổ phiếu, thì có thể có tác động rất lớn tới phiên thoái vốn, do nhà đầu tư e ngại giá cổ phiếu quá nóng”, ông Nguyễn Ðức Chi, Chủ tịch SCIC chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện phiên thoái vốn.

Hiện tại, ngoài SCIC, nhóm cổ đông lớn trong nước của Sa Giang hiện nắm gần 30% cổ phần, trong đó gia đình ông Lê Văn Phúc, thành viên Hội đồng quản trị SGC sở hữu chủ yếu. Trong các năm trước, hầu như chỉ có gia đình ông Phúc mua vào cổ phiếu này.

Ðược biết, trước khi thoái vốn tại SGC, SCIC cũng đưa ra vấn đề mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, song các cổ đông khác của SGC không đồng thuận. Không nới room, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% cổ phần tại Sa Giang.

Giá khởi điểm không hấp dẫn, cơ cấu cổ đông phức tạp, phiên thoái vốn Sa Giang đã thất bại. Kết thúc thời hạn đăng ký mua lô cổ phần của SCIC tại Sa Giang vào ngày 12/7, đã không có nhà đầu tư nào đăng ký và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã ra thông báo hủy phiên đấu giá này.

Chưa biết SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn tại Sa Giang theo cách nào, có thể theo cách truyền thống là hạ giá các lần tiếp theo, nhưng giới phân tích chứng khoán nhận định, các đợt chào bán tới đây có thể tiếp tục khó khăn vì nhà đầu tư e ngại những rắc rối hậu M&A.

Hàng tốt vẫn không dễ thoái vốn

Từ trường hợp của Sa Giang nhìn rộng hơn có thể thấy, các hoạt động thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ khó khăn ở những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh èo uột, không có lợi thế cạnh tranh, âm vốn chủ… mà ở cả những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt.

Trong danh sách 10 doanh nghiệp lớn mà SCIC sẽ thoái vốn tại Thông báo số 281/TB-VPCP ngày 7/9/2016, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng có thể là một “ca khó”. SCIC hiện sở hữu 37% cổ phần tại doanh nghiệp này, trong khi ông Ðặng Quốc Dũng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty và những người liên quan, nắm lượng cổ phần gần 15%. Ông Dũng được cho là đã tập hợp được nhóm cổ đông trong nước bỏ phiếu phủ quyết việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại NTP.

Hiện thị giá NTP đã giảm mạnh chỉ còn khoảng một nửa so với thời điểm nhiều cổ đông trong nước và cổ đông Nhật Bản SEKISUI CHEMICAL CO.,LTD mua cổ phần thoái vốn từ The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd, song điều đáng e ngại hơn là thanh khoản NTP cũng giảm, trung bình chỉ vài nghìn cổ phiếu một phiên.

SEKISUI CHEMICAL CO.,LTD đang sở hữu 15% cổ phần NTP, bởi vậy, SCIC không thể bán cả lô cổ phần NTP cho các nhà đầu tư nước ngoài. Còn với nhà đầu tư trong nước, giá cả không phải là yếu tố khiến họ e ngại bằng việc bỏ vốn vào doanh nghiệp khá lớn, nhưng không có quyền tham gia quản trị doanh nghiệp.

Trong danh sách 108 doanh nghiệp thoái vốn năm 2019 đã được SCIC công bố ra thị trường, có nhiều doanh nghiệp niêm yết sở hữu vị thế ngành và nhiều lợi thế kinh doanh khác như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Vinamilk, Công ty cổ phần FPT, Công ty Khoáng sản Hà Giang, Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong, Công ty cổ phần Bến xe Kon Tum, Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ, Công ty cổ phần Ðầu tư Bảo Việt - SCIC; Tổng công ty cổ phần Ðiện tử và tin học, Tổng công ty Licogi, Domesco, Fafim Việt Nam, Công ty cổ phần Ðầu tư Tháp truyền hình Việt Nam… Song như đã phân tích, không phải doanh nghiệp nào có lợi thế cũng dễ để thoái vốn.

Tin bài liên quan