Vì sao “sức khỏe tài chính” của ngân hàng luôn sạch?

Vì sao “sức khỏe tài chính” của ngân hàng luôn sạch?

(ĐTCK) Nếu nhìn nhận thật kỹ có thể thấy tình hình tài chính của Vietinbank, Sacombank và ACB có những vấn đề khá nghiêm trọng.

> Kiểm toán bị ép làm sai?

> Năm 2013, tập trung thanh tra tài chính, ngân hàng

WesternBank bén duyên cùng PVFC 

> Những ngân hàng đau đầu vì nợ xấu  

Lượng hóa độ “sạch”

Theo báo cáo kiểm toán của ACB, giá trị của những khoản lưu ý do kiểm toán PWC đưa ra khó có thể lượng hóa được bởi mức độ có thể rất lớn. Đơn cử, khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng trong nước tại thời điểm ngày 31/12/2012 là 718 tỷ đồng và 36 tỷ đồng tiền lãi phải thu mà ngân hàng đã ủy thác cho nhân viên gửi tại Vietinbank đã quá hạn. Các nhân viên nhận ủy thác gửi tiền của ngân hàng đã khởi kiện tại tòa án dân sự, trong khi phiên tòa dân sự bị tạm hoãn xét xử do vụ việc có liên quan đến vụ án hình sự đang điều tra. 

Đến nay, nhà đầu tư chưa nhận được bất cứ thông báo nào của Ngân hàng về kết quả điều tra cũng như phán quyết của Tòa án dân sự vì thế không thể tin tưởng vào khả năng thu hồi các khoản tiền gửi này. Chưa hết, ACB có khoản tiền 1.095 tỷ đồng gửi có kỳ hạn tại một ngân hàng thương mại cổ phần trong nước bị quá hạn. Tính đến ngày 31/12/2013, ngân hàng trên mới trả một phần số dư nợ gốc và lãi là 323 và 47 tỷ đồng. Đáng lưu ý là gần 2.000 tỷ đồng trên, ACB đều không trích lập dự phòng. Vấn đề được cho là có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ACB là kết quả cuộc thanh tra toàn diện của Ngân hàng Nhà nước với ACB từ tháng 9/2012. Mục tiêu chính là nhằm điều tra số dư của ngân hàng với 6 công ty liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên.  Đến thời điểm này, kết quả thanh tra vẫn chưa được công bố và ảnh hưởng của nó cũng như những hậu quả ngân hàng phải gánh chịu do đó có thể chưa lộ diện.

Trường hợp của Sacombank lại khiến cho nhiều cổ đông và nhà đầu tư có cảm tưởng về một sự không minh bạch trong dòng tiền vào - ra rất lớn. Cụ thể, Sacombank đã sử dụng cổ phiếu của chính ngân hàng làm tài sản xiết nợ cha con ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch ngân hàng với số lượng xấp xỉ 79,8 triệu CP tương đương giá trị trừ nợ là 1.596 tỷ đồng. Ở nhiều nước trong khu vực, ngân hàng không được phép thực hiện nghiệp vụ này vì có thể tạo ra những hệ lụy xấu tới quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ và nguồn vốn hoạt động của chính ngân hàng. Ngoài ra, Sacombank còn ký thỏa thuận với một số cá nhân để mua và bán lại cổ phiếu, tại thời điểm ngày 30/6/2012 số dư liên quan đến các giao dịch này lên tới 757 tỷ đồng, do là nghiệp vụ mới, lại ít xuất hiện ở các ngân hàng nên Sacombank đã tự xây dựng chính sách kế toán của riêng mình.

Ở một chừng mực nào đó, sức khỏe ngân hàng chưa được phản ánh đúng trong các báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính

Đặc biệt đáng lo ngại là khoản cho vay bất động sản không đúng quy định của Sacombank. Ngân hàng này đã cho một số công ty vay các khoản có giá trị lớn với thời hạn ngắn hạn 1 năm nhằm mục đích dài hạn là tái tài trợ các dự án BĐS. Số tiền tại ngày 30/11 là 7.954 tỷ đồng, vào ngày 31/12 là 9.019 tỷ đồng, được phân loại trong BCTC là nhóm đủ tiêu chuẩn. Không chỉ chưa phù hợp về điều kiện cho vay, thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay theo các quy định của NHNN như kiểm toán lưu ý, khi thị trường BĐS tiếp tục đi xuống như thời gian qua, khả năng thu hồi đúng hạn số nợ trên quả là ẩn số.

Liên quan tới câu chuyện gần 1.000 tỷ đồng tiền gửi của ACB tại Vietinbank ở trên, kiểm toán Deloitt cũng lưu ý trong BCTC của Vietinbank về một nguy cơ tiềm ẩn. Cơ quan pháp luật hiện đang tiến hành các thủ tục tố tụng khởi tố điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản  đối với các cá nhân nguyên là nhân viên của Chi nhánh TP. HCM và chi nhánh Nhà Bè của Ngân hàng (vụ siêu lừa Huyền Như, giá trị có quy mô hàng ngàn tỷ đồng – PV). Do vụ án chưa được xét xử nên chưa có phán quyết cụ thể của Tòa án. Vietinbank tin tưởng rằng, trong vụ này họ sẽ không có thiệt hại về tài chính, song ngân hàng có đòi được toàn bộ số tiền thiệt hại hay không lại phụ thuộc vào việc bản án thế nào và có hiệu lực ra sao, điều này rất khó nói trước?

 

Tại sao lại chỉ “lưu ý”?

Soi vào những con số nghìn tỷ trên tại các ngân hàng có thể thấy mức độ không hề ít nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng rất lớn tới kết quả kinh doanh của ngân hàng, thậm chí là cả hoạt động. Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán lại chỉ nhẹ nhàng đó là những “vấn đề lưu ý” chứ không phải là “ngoại trừ” và “ngoại trừ trọng yếu”. Theo quy định, báo cáo kiểm toán có ý kiến lưu ý vẫn được xem là một báo cáo kiểm toán “sạch”, báo cáo tài chính vẫn được coi là trung thực, hợp lý.

Khi được hỏi về câu chuyện tại sao có sự tréo nghoe này, kiểm toán viên một công ty big 4, người trực tiếp thực hiện báo cáo tài chính cho một trong những ngân hàng nêu trên chia sẻ, nếu theo tiêu chí và chuẩn mực kiểm toán quốc tế thì nhiều lưu ý kể trên phải đưa vào khoản mục “ngoại trừ” vì tác động của nó có thể là rất lớn đến hoạt động của ngân hàng và ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Song ở Việt Nam, báo cáo kiểm toán của tất cả các tổ chức tín dụng đều “sạch” bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, Thông tư 39/2011/TT-NHNN quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định, báo cáo kiểm toán của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không được có ý kiến ngoại trừ. Quy định như vậy vô hình trung tạo cơ sở cho các ngân hàng có được báo cáo tài chính “sạch” bởi nếu một công ty kiểm toán nào đó mạnh dạn đưa ra ý kiến ngoại trừ, họ sẽ được thay thế bởi công ty khác và chỉ khi nào báo cáo sạch ngân hàng mới công bố ra thị trường.

Thứ hai, cơ quan quản lý có không ít quy định, chỉ thị “con” có thể gây vô hiệu các chuẩn mực kế toán, quy định chuyên ngành khác. Đơn cử, một s khoản cho vay của các tổ chức tín dụng theo quy định phải đưa vào nợ nhóm 5 (nợ xấu) và phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên,  NHNN lại có công văn cho phép các tổ chức tín dụng không chuyển nợ đó thành nợ quá hạn.

Thứ ba, để làm đẹp báo cáo tài chính và số liệu, các tổ chức tín dụng có thể thực hiện các chiêu thức như đảo nợ, bán tài sản đảm bảo cho công ty quản lý tài sản trực thuộc với giá cao hay đánh giá sức khỏe tài chính con nợ một cách quá lạc quan để trốn trích lập dự phòng…

Vậy là big 4 ở Việt Nam cũng làm sai? Giới đầu tư từng sôi lên trước những vụ việc không có thông tin nào cảnh báo ra thị trường trước các scandal như KPMG kiểm toán cho Vinashin trước khi lãnh đạo Tập đoàn này bị phát hiện có nhiều sai phạm; Ernst &Young kiểm toán cho Dược Viễn Đông trước khi DN này phá sản… Kiểm toán viên nhiều kinh nghiệm của một công ty big 4 nói “tính trung thực và hợp lý của  những báo cáo kiểm toán do họ (big 4) thực hiện là tuân theo chính sách quy định của Việt Nam, còn nếu theo chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS, báo cáo kiểm toán đó không chắc đã sạch”.

Với rất nhiều sự vụ liên quan đến các ngân hàng năm qua, ở một số ngân hàng lớn, khi kiểm toán cho ngân hàng, đã có những công ty big 4 phải mời chuyên gia nước ngoài vào tham gia. Tuy nhiên, khi một bàn cân được đặt ra, trong đó có danh tiếng quốc tế của hãng kiểm toán và kiểm toán viên; những gì họ được phép làm theo tiêu chuẩn, quy định của Việt Nam; những ảnh hưởng, tác động trước đánh giá của kiểm toán về một vấn đề tiềm ẩn nguy cơ với doanh nghiệp để nhà đầu tư và công chúng có thể phần nào lượng hóa được ảnh hưởng; đạo đức nghề nghiệp… nhiều báo cáo kiểm toán chỉ có ý kiến “lưu ý” thay vì “ngoại trừ”. Điều này đồng nghĩa với việc, ở một chừng mực nào đó, sức khỏe ngân hàng chưa được phản ánh đúng trong các báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính.