Trước cơ hội lớn từ nhiều đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của khối DNNN, SHS đang nỗ lực củng cố nội tại để cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn, thực hiện vai trò đồng hành với doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu trở thành nhà tư vấn hàng đầu trên TTCK.
Bà mối “mát tay”
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến trình cổ phần hóa DNNN phải được đẩy nhanh, để thoái vốn đầu tư của Nhà nước vào những ngành nghề, lĩnh vực không cần nắm giữ với mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa 432 DNNN trong 2 năm 2014 - 2015. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kế hoạch này đang gặp nhiều thách thức. Tới thời điểm này, nghĩa là đi gần hết nửa thời gian, mới chỉ có chưa đầy 40 DNNN thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Trong đó, không ít phiên IPO không thành công, do không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, với tỷ lệ cổ phần được đăng ký mua rất thấp.
Giữa bối cảnh ấy, SHS tỏ rõ vai trò “bà mối mát tay” giữa DNNN và nhà đầu tư. Với sự hỗ trợ từ SHS, từ tư vấn cho doanh nghiệp các thủ tục đấu giá cổ phần, lựa chọn phương thức đấu giá, lên phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm cho đến tổ chức đấu giá chính thức và thu tiền từ bán cổ phần, kế hoạch IPO của các doanh nghiệp được hoàn tất một cách nhanh chóng, thuận lợi. Hàng loạt hợp đồng tư vấn cổ phần hóa DNNN đã được SHS thực hiện thành công từ đầu năm tới nay. Có thể kể đến những thương vụ tiêu biểu như tư vấn cổ phần hóa cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, tư vấn thành công cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 bán cổ phần cho cổ đông chiến lược và IPO, tư vấn cho Tổng công ty Xây dựng Thăng Long bán thành công cho cổ đông chiến lược và IPO...
Không chỉ “mát tay” trong tư vấn cổ phần hóa, thời gian qua, SHS còn tư vấn thành công nhiều thương vụ thoái vốn đầu tư ngoài ngành cho các DNNN. Có kinh nghiệm và mối quan hệ sâu rộng với nhiều nhà đầu tư, SHS đã tư vấn thành công cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Cienco 1, với tổng giá trị hơn 1.250 tỷ đồng.
Hiện SHS đang thực hiện hợp đồng tư vấn cổ phần hóa cho một loạt DNNN như Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), Công ty TNHH MTV Cảng Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Giầy Thụy Khuê, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm (Hà Nội); Công ty TNHH MTV Tôn Vinashin và hàng chục hợp đồng tư vấn thoái vốn, phát hành cổ phiếu, tìm kiếm đối tác tài chính khác.
Cơ hội lớn từ thị trường
Nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 được xác định đặt trọng tâm vào công tác cổ phần hóa; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Dự kiến, sẽ có lượng cung lớn chứng khoán theo công tác cổ phần hóa DNNN trong năm 2015 dồn dập ra thị trường, cần có các đối tác lớn, hùng hậu về năng lực tài chính để hấp thụ được nguồn vốn này. Đây cũng là cơ hội lớn cho các CTCK nói chung và SHS nói riêng.
Đón đầu những cơ hội từ thị trường, SHS đang tập trung nguồn lực phát triển mảng dịch vụ, bên cạnh việc đầu tư cho mảng môi giới để thực hiện mục tiêu lọt vào Top 5 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất Việt Nam (quý III/2014, SHS thuộc Top 3 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất tại HNX và trong Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất tại HOSE); phát triển các sản phẩm tài chính và mảng tự doanh.
Không dừng ở vai trò làm “bà mối” giữa các DNNN và nhà đầu tư, SHS còn cung cấp đa dạng các dịch vụ cho doanh nghiệp. Theo đó, dịch vụ tư vấn được xây dựng theo chuỗi nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho chất lượng dịch vụ tư vấn, từ tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp, cổ phần hóa và IPO đến đăng ký công ty đại chúng khi doanh nghiệp đủ điều kiện công ty đại chúng, đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM đến tư vấn niêm yết chứng khoán, nhằm đưa SHS trở thành nhà tư vấn hàng đầu trên TTCK Việt Nam.
SHS đang nỗ lực chuyển mình mạnh mẽ, từ củng cố nội tại, xây dựng đội ngũ nhân sự mạnh, có kiến thức và kinh nghiệm tư vấn đến phát triển quan hệ, hướng tới tạo lập được quan hệ với các đối tác lớn, các đối tác nước ngoài có năng lực về vốn, tài chính, công nghệ…, qua đó thực hiện cung cấp dịch vụ đa dạng cho các đối tác.