Vì sao nhiều ngân hàng nhỏ báo lỗ quý IV/2021?

Vì sao nhiều ngân hàng nhỏ báo lỗ quý IV/2021?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số ngân hàng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, với lợi nhuận trước thuế quý này giảm do trích dự phòng mạnh cuối năm. 

Dồn trích dự phòng cuối năm

Cụ thể, PG Bank vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, với lợi nhuận trước thuế trong quý này của ngân hàng giảm 29,2% so với cùng kỳ, do chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng đáng kể 235% trong thời gian này.

Theo dó thu nhập lãi thuần quý IV/2021 của PGBank đạt 253,5 tỷ đồng, giảm 1,6% so cùng kỳ. Lũy kế cả năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 990 tỷ đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ năm trước đó.

Hoạt động dịch vụ cũng mang về 25,7 tỷ đồng cho PGBank trong quý VI/2021, tăng 67% so cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2021, mảng dịch vụ mang lại 48,3 tỷ đồng cho ngân hàng, tăng 61,1% so cùng kỳ năm 2020.

Trong khi thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh trong năm thì hoạt động kinh doanh ngoại hối lại không mấy khả quan khi lãi thuần từ mảng này cả năm qua sụt giảm 31,2% so với cùng kỳ năm trước đó.

Lãi thuần từ hoạt động khác của PGBank trong cả năm 2021 cũng giảm mạnh 67,8%, từ 157,5 tỷ đồng cùng kỳ năm2020 về 50,8 tỷ đồng trong 2021.

Nhưng bất chấp sự suy giảm trong quý IV/2021, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của PGBank vẫn đạt hơn 329 tỷ đồng, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020.

PGBank cho biết, kết quả này có được nhờ thu nhập lãi thuần tăng 84,17 tỷ đồng, tương đương tăng 9,3% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 61% trong năm 2021.

Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro giảm 38% xuống mức 175 tỷ đồng. Ngân hàng dồn trích lập vào quý cuối cùng của năm 2021 (gần 82 tỷ), trong khi 9 tháng đầu năm chỉ trích lập 93 tỷ đồng.

Tính đến 31/12, tổng tài sản của PG Bank đạt 40.613 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,1% lên 27.499 tỷ đồng; dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng nhẹ 0,4%. Tiền gửi khách hàng giảm 2,3% xuống còn 28.075 tỷ đồng.

Cùng với đó, nợ xấu nội bảng của ngân hàng giảm 1,5% xuống còn 617 tỷ đồng. Kéo theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng cũng giảm từ 2,44% xuống 2,24%. Tuy nhiên, nợ xấu tại VAMC của ngân hàng tăng 23% lên 707 tỷ đồng.

Mặc dù lợi nhuận ròng trong quý IV/2021 ghi nhận tăng trưởng hơn 37% nhưng chi phí dự phòng tăng mạnh đã kéo lợi nhuận trước thuế của Bac A Bank giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 vừa được Bac A Bank công bố, với lợi nhuận trước thuế đạt 206 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận quý IV/2021 của Bac A Bank tăng trưởng âm là do ngân hàng đã mạnh tay nâng chi phí trích lập dự phòng trong kỳ lên 193 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với quý IV/2020.

Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng 37,6% lên gần 400 tỷ đồng, nhờ động lực từ các khoản thu ngoài lãi.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý cuối năm của Bac A Bank giảm 7,7% xuống 554 tỷ đồng; nhưng các khoản thu nhập ngoài lãi tăng gần gấp đôi lên hơn 178 tỷ đồng.

Trong đó, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng 177,8% lên 45,3 tỷ đồng; lãi thuần từ mảng dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác tăng lần lượt 119,8% và 91,4% lên 19,4 tỷ và 68,2 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí hoạt động được cắt giảm 17% xuống còn 333 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lũy kế cả năm qua, Bac A Bank vẫn lãi trước thuế 908 tỷ đồng, tăng 23,6% so với 2020 và hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Bac A Bank tăng 2,2% so với đầu năm lên 119.792 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,5% lên 84.598 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ mức 0,79% xuống 0,77%.

Đồng thời, với việc nâng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng thêm 29% lên mức 1.060 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này tiếp tục cải thiện từ mức 130,8% lên 161,7%.

Về nguồn vốn, trong năm qua, số dư tiền gửi khách hàng tăng 8,1% lên 93.440 tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn chiếm 3.048 tỷ đồng (3,2%); tiền gửi có kỳ hạn chiếm 90.319 tỷ đồng.

Sẽ có sự phân hóa mạnh

Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lỗ trước thuế lên tới 74 tỷ đồng. Trong quý IV/2021, tín dụng của Viet Capital Bank tăng trưởng tốt (16,5%) song các hoạt động ngoài lãi tăng không đáng kể.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý IV/2021 đạt 358 tỷ đồng, tăng 14,7%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 19,4 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng chỉ đạt 19,5 tỷ đồng, giảm 44% so ới cùng kỳ.

Trong khi thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoài lãi không tăng mạnh thì chi phí hoạt động của ngân hàng lại tăng tới 33,7%. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020, lên tới 128 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, Ngân hàng Bản Việt ghi nhận khoản lỗ trước thuế tới 74 tỷ đồng trong quý IV. Nhưng nhờ kết quả kinh doanh tích cực 3 quý đầu năm, Ngân hàng Bản Việt vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tốt trong cả năm 2021.

Cụ thể, lũy kế cả năm 2021, ngân hàng ghi nhận 1.435 tỷ đồng lãi thuần, tăng 30% so với năm 2020. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 71 tỷ đồng, tăng hơn 18%.

Lãi thuần từ hoạt động kinhd ngoại hối đạt 33 tỷ đồng, giảm gần 11%. Lãi thuần từ mua bán chứng hoán đầu tư đạt 142 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động khác chỉ tăng nhẹ.

Do trích lập dự phòng của cả năm chỉ tăng 6,6% nên lợi nhuận trước thuế nămLợi nhuận sau thuế đạt 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 76.500 tỷ đồng, tăng 25% so với 2020 và hoàn thành vượt kế hoạch đặt ra. Dư nợ tín dụng tăng hơn 16%. Trong đó, cho vay thì án buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm tỷ trọng lớn nhất (26% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng), tiếp đến là dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản với tỷ trọng 15,5%.

Nợ xấu của ngân hàng tính đến hết năm 2021 là 2,5%, giảm đáng kể so với mức 2,93% cuối quý 3/2021.

Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng hoạt động kinh doanh các ngân hàng năm 2022 nhìn chung sẽ tiếp tục duy trì tích cực.

Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ có tốc độ tăng trưởng phân hóa, và độ biến động lớn theo quý. Khối tư nhân dự kiến có tốc độ tăng trưởng phục hồi dần về phía cuối năm, điểm rơi về lợi nhuận dự kiến là quý II và quý III năm 2022.

Cụ thể, nhóm chuyên gia kỳ vọng nhóm NHTM tư nhân lớn sẽ có tốc độ và chất lượng tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn nhóm ngân hàng nhỏ. Các yếu tố hỗ trợ bao gồm chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, tăng vốn, nới mức trần sở hữu nước ngoài và phí trả trước banca phân hóa, nhưng vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng quy mô vừa trở lên.

VDSC cho rằng, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ được hỗ trợ bởi các câu chuyện chia cổ tức và kỳ vọng phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài trong quý I/2022, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có điểm rơi về tin tức và tăng trưởng kể từ quý II và quý III năm 2022.

Tin bài liên quan