Vì sao nhiều dự án khu đô thị tại Khu kinh tế Nhơn Hội “vắng bóng” cư dân?

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều dự án khu đô thị tại Khu kinh tế Nhơn Hội do Nhà nước hay tư nhân làm chủ đầu tư, dù đã hoàn thiện hạ tầng, nhưng vẫn chưa có người dân sinh sống.
Một phân khu dự án của Công ty Phát Đạt tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

Một phân khu dự án của Công ty Phát Đạt tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

Đấu giá không thành vì giá đất

Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, Khu kinh tế Nhơn Hội hiện có 6 dự án khu đô thị liên quan đến đất ở. Trong đó, có 2 dự án khu đô thị do Ban Quản lý khu kinh tế làm chủ đầu tư và đưa ra đấu giá; cơ bản xong hạ tầng, nhưng đang gặp “trục trặc” và đang gỡ vướng liên quan về giá đất.

Theo ông Sơn, giá đất khi đưa ra đấu giá tại thời điểm trước đây thì phù hợp, dẫn chứng như tại vị trí đường trục là 18 triệu đồng/m2. Song sau đó, dự án bên cạnh của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (gọi tắt là Công ty Phát Đạt) thông báo giá bán là 40 triệu đồng/m2. Nhận thấy giá đất chênh lệch, có nguy cơ thất thoát, nên lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành đã đề nghị dừng đấu giá và xác định lại giá đất lên đến 35 triệu đồng/ m2.

Tuy nhiên, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định thông tin, tuy nhà đầu tư thông báo giá bán 40 triệu đồng/m2 nhưng giá bán thực tế thấp hơn do có chiết khấu % (thông tin trên một số trang bất động sản là 18 triệu đồng/m2). Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các dự án của Ban Quản lý làm chủ đầu tư đưa ra đấu giá nhiều lần không thành công.

Ban Quản lý cũng đề nghị UBND tỉnh xác định giá đất lại theo giá thị trường hiện tại. Tuy nhiên, theo quy định thì sau 3 lần đấu giá không thành công mới được giảm giá 10% và lặp lại; nên quá trình này sẽ mất nhiều thời gian.

Ông Sơn thừa nhận, đây là tình trạng chung của các dự án của tỉnh Bình Định được định giá đất trước đây (giá cũ) gần như “không bán được”, “đứng hết”; chỉ một số dự án mới được định giá gần đây phù hợp với thị trường thì “bán được”.

Khi thị trường “nguội”, nhà đầu tư “thiếu tích cực”

4 dự án còn lại có 3 khu của Công ty Phát Đạt (phân khu số 2, 4, 9), 1 khu của Tập đoàn FLC.

Về các dự án này, ông Sơn chia sẻ, thực tế chủ đầu tư đã bán đất nền, nhưng đối tượng khách hàng mua chủ yếu là người ngoài địa phương, thể hiện qua danh sách người mua tại địa phương rất ít, nên có khả năng không phải là những người có nhu cầu ở thực.

“Hiện cũng chưa có quy định người mua đất trong thời gian bao lâu phải xây nhà nên có tình trạng người mua có tính đầu cơ, sang đi bán lại, chờ giá bất động sản lên lại mới bán”, ông Sơn cho hay.

Yếu tố nữa là liên quan đến hạ tầng công cộng tại các dự án. Công ty Phát Đạt đã đầu tư cơ bản xong hạ tầng đường giao thông nhưng chưa có trường học, công viên, trạm y tế.

Điều này theo ông Sơn, khi làm việc với nhà đầu tư, chủ đầu tư cho biết trường học, công viên phải có người vào ở thì mới xây. Đồng thời, Công ty Phát Đạt cam kết khi nào có 15% người dân đến ở sẽ đầu tư hạ tầng công cộng. Nguyên nhân là vì chưa có người dân ở nên xây sẽ lãng phí, hư hỏng xuống cấp.

Ngoài ra, các dự án có quy mô lớn phải có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, gửi Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định, có ý kiến rồi mới được cấp phép xây dựng.

Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế thừa nhận, có thực tế, thời điểm bất động sản “còn nóng” thì nhà đầu tư tích cực làm việc này để nhanh có giấy phép xây dựng để xây dựng và bán sản phẩm. Còn bây giờ, thời điểm khó khăn, nhiều nhà đầu tư “thiếu tích cực”, nộp hồ sơ cho có để nhận giấy chứng nhận đã nộp hồ sơ tại Cục, sau đó có căn cứ trình với Ban Quản lý.

Còn việc chậm do hồ sơ không đạt yêu cầu, Cục Quản lý sẽ trả hồ sơ về cho nhà đầu tư để yêu cầu bổ sung chứ không gửi về Ban Quản lý. Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư cố tình chưa bổ sung hoặc bổ sung nhỏ giọt để kéo dài. Đây cũng là nguyên do gây nên chậm trễ của các dự án.

“Thời gian qua, tỉnh cũng có mời làm việc với nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cũng có đưa lộ trình cam kết từ nay đến năm 2024 sẽ đầu tư”, ông Sơn bổ sung.

Tin bài liên quan