Vì sao Nhà nước không muốn bán bớt vốn tại GAS?

Vì sao Nhà nước không muốn bán bớt vốn tại GAS?

(ĐTCK) Với mức vốn hóa thị trường khoảng 10 tỷ USD, nếu thoái bớt 20% vốn nhà nước tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas, mã CK: GAS), số tiền thu được có thể lên tới 4 tỷ USD. Tuy nhiên, mong muốn của GAS không được Chính phủ ủng hộ.
Trong 3 năm trở lại đây, PVGas trở thành DN có lợi nhuận lớn nhất TTCK Việt Nam, vượt xa các kế hoạch đầu năm doanh nghiệp này đặt ra. Câu hỏi là, PVGas hoạt động hiệu quả khiến lợi nhuận tăng mạnh hay nhờ yếu tố nào khác?

Theo Luật Dầu khí, các nguồn khí thiên nhiên đang khai thác ở Việt Nam đều phải có sự hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong khâu phân phối. Bởi vậy, giá khí hiện nay bán đến hộ tiêu dùng thực hiện qua 3 công đoạn: chủ mỏ bán khí cho PVN; PVN bán khí cho PVGas; PVGas bán cho các hộ tiêu thụ như điện, phân đạm... Trên thực tế, GAS được ủy quyền thực hiện các hoạt động mua vào, bán ra từ gốc đến ngọn.

Giá khí đầu vào chủ mỏ bán cho PVN khác nhau, song tựu chung là khá thấp, dao động từ 2,8 - 3,3 USD/triệu BTU (giá tham khảo năm 2012), bởi các cam kết có từ chục năm trước, khi bắt đầu triển khai dự án khai thác thí tại Việt Nam. Trong khi đó, giá bán khí đầu ra cho các hộ tiêu thụ lại theo giá thị trường quốc tế, trừ các khối lượng khí đã được ký hợp đồng bao tiêu ngay khi phát triển các mỏ khí tại Việt Nam. Trong 2 năm qua, giá khí trên thị trường quốc tế tăng mạnh, cao điểm lên đến gần 9 USD/ triệu BTU, tăng gần 100%. Mua thấp, bán cao, lợi nhuận của PVGas tăng là tất yếu.

   

Với quy trình kể trên, việc PVGas đạt được mức lợi nhuận lớn có thể hiểu là chủ yếu do lợi thế được độc quyền kinh doanh khí và được mua giá khí đầu vào với giá thấp. Đây là lợi thế riêng từ việc sử dụng kinh doanh tài nguyên của đất nước, trong khi đó PVGas và PVN thực hiện nghĩa vụ ngân sách như các doanh nghiệp khác.

Khi PVGas còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, toàn bộ lợi nhuận sẽ chuyển về Nhà nước. Tuy nhiên, hiện PVGas là công ty cổ phần. Theo ý kiến của các cơ quan chức năng, với các quy định hiện hành, chưa có cơ sở để Chính phủ điều tiết khoản lợi nhuận từ PVGas, do đó, phần lợi nhuận lớn trên sẽ thuộc về các cổ đông và như vậy, nhiều tổ chức cá nhân đã được lợi lớn từ việc được Nhà nước cho phép tham gia hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, có hiệu suất sinh lời cao.

Cuối năm 2013, khi câu chuyện về bán bớt vốn nhà nước tại các DN hoạt động hiệu quả sau cổ phần hóa nóng lên, PVGas là một ngoại lệ mặc dù thị giá cổ phiếu GAS tăng mạnh, PVN hiện vẫn sở hữu tới 96,72% cổ phần tại PVGas. Tại Văn bản 384/2013/TB-CP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về giá khí và điều tiết thu ngân sách nhà nước với khí, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính tính toán lại phương án thu điều tiết vào ngân sách nhà nước để báo cáo Thủ tướng. Đồng thời với đó là chỉ đạo giữ nguyên tỉ lệ vốn nhà nước đang nắm giữ tại PVGas, không tiến hành bán tiếp vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Đến thời điểm này, đề xuất về thu điều tiết vào ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khí của Bộ Tài chính chưa được Chính phủ thông qua. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I của PVGas, Công ty có khoản mục tiền và tương đương tiền lên tới 20.000 tỷ đồng. Đây chính là khoản “tiền treo” mà cổ đông PVGas kỳ vọng song rõ ràng họ không dễ được hưởng. Nếu chỉ nhìn vào cổ tức, tỷ lệ chi trả tối thiểu 30%/năm kể từ năm 2012 trở lại đây là cao, song nếu tính trên thị giá 100.000 đồng/CP thì con số trên cũng không phải quá hấp dẫn.

Trong khi đó, Chính phủ và các bộ, ngành đang khẩn trương xây dựng thị trường khí và PVGas sẽ là trung tâm của đề án này. Nếu không có một phương án thu điều tiết hợp lý, rất có thể PVGas, vì đã trở thành công ty cổ phần, sẽ không còn quyền lợi mua khí đầu vào giá thấp nữa, mà chỉ đảm nhận chức năng xây dựng và quản lý hệ thống mạng lưới phân phối khí. Khi đó, nguồn khí đầu vào sẽ do PVN hoặc một công ty 100% vốn Nhà nước (do PVN thành lập) quản lý và phần kinh doanh bán lẻ tới các khách hàng sẽ do các đơn vị con của PVGas đảm nhiệm. Nếu phải mua khí giá cao theo thị trường, chênh lệch đầu vào - đầu ra không còn lớn, lợi nhuận của PVGas sẽ biến động mạnh theo thị trường.

Tin bài liên quan